Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khóa hai đã thông qua Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2011.

I) Tuần Mua sắm trực tuyến

1. Mục tiêu và lợi ích:

i) Mục tiêu:
Nâng cao nhận thức và kỹ năng mua bán trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh các hội viên của Hiệp hội Thương mại điện tử, thúc đẩy hoạt động kinh doanh liên quan tới thương mại điện tử của các hội viên, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên phạm vi cả nước.

ii) Lợi ích:

A. Lợi ích chung
Thương mại điện tử trở nên phổ biến và gần gũi hơn trong toàn xã hội, các doanh nghiệp có cơ hội hoàn thiện hơn mô hình kinh doanh trực tuyến trong khi người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn tới các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được bán trực tuyến.

B. Lợi ích với cụ thể

* VECOM
Hình ảnh và vị thế của VECOM được nâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng trên cả nước.

* Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương)
Khẳng định được chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử, là cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô và chiến lược phát triển thương mại điện tử, có khả năng hỗ trợ và dẫn dắt mọi hoạt động quy mô toàn quốc về thương mại điện tử.

* Các Sở Công Thương
Thể hiện được vai trò nòng cốt trong hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử tại địa phương, có khả năng hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người tiêu dùng tại địa phương tham gia thương mại điện tử.

* Các doanh nghiệp
Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thu hút nhiều khách hàng mới và tăng doanh thu.

* Các tổ chức khác
Nâng cao hình ảnh và sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác tiềm năng mới.

* Người tiêu dùng (bao gồm người tiêu dùng là doanh nghiệp)
Mua được nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ với giá rẻ.

2. Căn cứ:

– Điều lệ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Hỗ trợ hội viên xúc tiến thương mại điện tử;
– Phương hướng hoạt động của VECOM Khóa II: Tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng khi mua bán trực tuyến;
– Quyết định số 0338/QĐ-BCT ngày 21/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin;
– Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/5/2008 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”.

3. Thời gian
Một tuần trong tháng 9 năm 2011 (dự kiến từ thứ hai 5/9 đến chủ nhật 11/9).

4. Quy mô và đối tượng chính

i) Quy mô: Toàn quốc

ii) Đối tượng chính:
– Người bán: Các doanh nghiệp hội viên của VECOM;
– Người mua: Người tiêu dùng dưới 30 tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

5. Đơn vị tổ chức:

i) Đơn vị chủ trì: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

ii) Các đơn vị phối hợp:
– Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương;
– Các Sở Công Thương;
– Một số Sở Thông tin và Truyền thông;
– Một số Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch…

6. Các hoạt động

i) Quảng bá và truyền thông
– Quảng bá sự kiện tới đông đảo người tiêu dùng trên các phương tiện trực tuyến cũng như truyền thống;
– Giới thiệu, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia sự kiện.

ii) Bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến:
Các doanh nghiệp cam kết bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên các kênh trực tuyến với giá ưu đãi (sách, điện thoại di động, máy tính, hoa, tìm việc, nhạc số, thuê gian hàng trên các chợ trực tuyến, quảng cáo trực tuyến trên các website, báo điện tử, E-learning, Game Online, v.v… và v.v…).

iii) Cung cấp các dịch vụ ngân hàng và thanh toán trực tuyến
Các ngân hàng và các tổ chức thanh toán trực tuyến giảm phí liên quan tới các dịch vụ thanh toán trực tuyến (thẻ tín dụng, ví điện tử, thẻ cào, v.v…).

iv) Cung cấp các dịch vụ liên quan tới Internet
Các công ty giảm giá đối với các hợp đồng thuê đường truyền, phí tên miền, thuê đặt máy chủ, hosting, xác thực, thiết kế website, v.v…

v) Cung cấp các dịch vụ đào tạo, tập huấn thương mại điện tử
Các công ty và tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử giảm phí cho các học sinh ký hợp đồng trong tuần diễn ra sự kiện khi tham gia các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử (có thể khai giảng sau tuần này).

vi) Cung cấp các dịch vụ tư vấn, giải quyết tranh chấp
– Các công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn về chiến lược kinh doanh, giải pháp, công nghệ, quản trị, nguồn lực… liên quan tới thương mại điện tử giảm phí tư vấn (thậm chí miễn phí) cho các khách hàng trong tuần diễn ra sự kiện;
– Các công ty luật giảm phí (thậm chí miễn phí) đối với các tranh chấp, khiếu nại xảy ra đối với các giao dịch diễn ra trong tuần.

vii) Các hoạt động khác

7. Kinh phí

i) Chi
– Chi phí đi công tác các địa phương của VECOM;
– Chi phí tổ chức các khóa tập huấn, giới thiệu sự kiện với các đơn vị phối hợp (VECOM, Cục TMĐT, các Sở Công Thương);
– Chi phí quảng cáo trên các phương tiện trực tuyến và truyền thống (do VECOM, Cục TMĐT, các Sở CT thực hiện);
– Chi phí vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia sự kiện;
– Các chi phí khác .

ii) Thu
– Thu từ các nhà tài trợ:
1) Các doanh nghiệp hội viên của VECOM;
2) Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT;
3) Các ngân hàng;
4) Các doanh nghiệp kinh doanh Game Online, tuyển dụng trực tuyến;
v.v…

– Thu từ phí quảng cáo logo doanh nghiệp trên các pano, áp phích, tờ rơi… do các Sở Công Thương phối hợp thực hiện;

8. Tiêu chí đánh giá

Thành công của sự kiện được đánh giá theo các tiêu chí sau:

i) Tỷ lệ khách hàng gia tăng so với mức trung bình/tuần cùng kỳ của các doanh nghiệp;
ii) Doanh thu gia tăng tuyệt đối và tương đối của các doanh nghiệp tham gia chương trình;
iii) Điều tra mẫu khách hàng (mức độ thỏa mãn với sự kiện, tính hấp dẫn của sự kiện…);
iv) Sự quan tâm của các Sở Công Thương (muốn tiếp tục tổ chức sự kiện thường niên…).

9. Rủi ro

Một, một số hoặc tất cả các rủi ro sau đây có thể xảy ra tác động đến thành công của sự kiện:

i) Một số Sở Công Thương chưa có đủ nguồn lực để tích cực tham gia sự kiện;
ii) Các ưu đãi về giá cả, chất lượng dịch vụ… của các doanh nghiệp, tổ chức tham gia sự kiện không đủ lớn;
iii) Một số doanh nghiệp, bao gồm hội viên VECOM, không thực hiện nghiêm túc các cam kết ưu đãi khách hàng;
iv) Hoạt động quảng bá chưa đủ thuyết phục đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, tham gia sự kiện;

10. Một số việc cần triển khai trong tháng 7

Để sự kiện diễn ra vào tháng 9/2011 cần triển khai gấp một số việc sau ngay trong tháng 7:

i) Xây dựng Đề án tổ chức sự kiện “Tuần Thương mại điện tử”, với kế hoạch triển khai chi tiết;
ii) Thành lập Ban Tổ chức, bao gồm đại diện của VECOM, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đại diện lãnh đạo một số Sở Công Thương;
iii) Lập đường dây nóng, email, góp ý trên www.vecom.vn để cung cấp thông tin, trao đổi, giải đáp các thắc mắc liên quan tới sự kiện;
iv) Làm việc với Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương về các khía cạnh liên quan tới khuyến mại;
v) Làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về các khía cạnh liên quan tới quảng cáo truyền thống cho sự kiện (các pano, áp phích… treo ở đường phố);
vi) Làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông (các Sở Thông tin và Truyền thông) về quảng cáo trực tuyến.

II. Đào tạo thương mại điện tử

1. Mục tiêu
Phát triển nguồn lực triển khai thương mại điện tử trên phạm vi cả nước.

2. Căn cứ
– Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015;
– Điều lệ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Phương hướng hoạt động của VECOM Khóa II với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử;
– Quyết định số 0338/QĐ-BCT ngày 21/1/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin;
– Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/5/2008 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”.

3. Thời gian
Toàn bộ giai đoạn 2011 – 2015.

4. Quy mô và đối tượng chính

i) Quy mô: Toàn quốc

ii) Đối tượng chính:

1) cán bộ phụ trách và nhân viên kinh doanh, tiếp thị, xuất khẩu, bán hàng tại các doanh nghiệp;
2) sinh viên các ngành muốn nâng cao trình độ về thương mại điện tử;
3) các đối tượng khác có hoạt động liên quan tới thương mại điện tử.

5. Đơn vị tổ chức:

i) Đơn vị chủ trì: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

ii) Các đơn vị phối hợp:
– Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương;
– Các Sở Công Thương;
– Một số Sở Thông tin và Truyền thông;
– Một số Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch…
– Viện Tin học doanh nghiệp (VCCI);
– Một số trường đại học, cao đẳng;
– Một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

6. Các hoạt động

i) Chương trình đào tạo
Xây dựng các chương trình đào tạo gắn với:
– chuyên ngành (tiếp thị trực tuyến, an toàn thông tin, thanh toán trực tuyến, quản trị website, thiết kế gian hàng trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử, quản trị dự án thương mại điện tử, quản lý điều hành Sàn thương mại điện tử, v.v…)
– cấp độ: A, B, C

ii) Chứng chỉ
Phối hợp với các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo để xây dựng chứng chỉ phù hợp với các chương trình đào tạo.

iii) Tổ chức các lớp, khóa học

* Độc lập tổ chức:
VECOM có thể độc lập tổ chức các lớp, khóa đào tạo tại Trung tâm Đào tạo Thương mại điện tử ADOC.

* Phối hợp với các tổ chức, đơn vị:
VECOM có thể phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, các Sở Công Thương, các trường đại học và cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo CNTT, kinh tế triển khai các lớp, khóa đào tạo thương mại điện tử.

* Đào tạo trực tuyến
VECOM cần hướng tới triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến về thương mại điện tử.

7. Kinh phí
Giai đoạn đầu cân bằng thu chi, giai đoạn sau phấn đấu thu cao hơn chi.

8. Tiêu chí đánh giá

i) Số lượng học viên tăng dần qua từng giai đoạn;
ii) Từ miễn phí tới thu phí, từ phí thấp tới phí cao hơn;
iii) Số lượng tổ chức, đơn vị muốn hợp tác với VECOM tổ chức các khóa đào tạo tăng lên.

9. Rủi ro

i) Không xây dựng được các chương trình đào tạo phù hợp;
ii) Thiếu giảng viên có uy tín, chất lượng;
iii) Không thu hút được học viên;
iv) Không thu hút được các đối tác tham gia đào tạo.

III. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử (VN-Ecom Index)

1. Mục tiêu và lợi ích
i) Mục tiêu:
Đánh giá được mức độ tuyệt đối và tương đối khả năng ứng dụng thương mại điện tử của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các tỉnh) và một số ngành kinh tế.

ii) Lợi ích:
– Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử và công nghệ thông tin: Hàng năm có được dữ liệu độc lập, khách quan, tin cậy, toàn diện về hiện trạng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như theo từng địa phương, ngành kinh tế; hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách pháp luật cũng như hợp tác quốc tế về thương mại điện tử;

– VECOM: Nâng cao vị thế và vai trò của Hiệp hội, tập hợp được dữ liệu phong phú, cụ thể, tin cậy giúp ích cho hoạt động đa dạng của các hội viên;

– Các địa phương: Tiếp cận đánh giá khách quan, tin cậy về thứ hạng sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử của địa phương mình, qua đó có các điều chỉnh chính sách, nguồn lực phù hợp.

– Các ngành kinh tế: Tiếp cận đánh giá khách quan, tin cậy về thứ hạng sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử của ngành mình một cách tương đối so với các ngành kinh tế khác, đồng thời từng doanh nghiệp trong ngành có thể so sánh mức độ sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử của mình với mức trung bình của ngành (trong bối cảnh VECOM giữ bí mật thông tin khảo sát tại từng doanh nghiệp);

– Các tổ chức và cá nhân khác: các tổ chức và cá nhân nghiên cứu, đào tạo, tư vấn luật, đầu tư… có được bức tranh vừa tổng quát, vừa mang tính so sánh về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên cả nước cũng như theo từng ngành, từng địa phương.

2. Căn cứ
– Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015;
– Điều lệ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Phương hướng hoạt động của VECOM Khóa II;
– Quyết định số 0338/QĐ-BCT ngày 21/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin;
– Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/5/2008 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”.

3. Thời gian và sản phẩm
– Vào quý III hàng năm, công bố Báo cáo Chỉ số sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử của Việt Nam (VN-Ecom Index Report) dạng ấn phẩm và điện tử.
– Phổ biến rộng rãi báo cáo này trên nhiều kênh thông tin.

4. Quy mô
i) Theo địa phương: Chỉ số được áp dụng cho tất cả các tỉnh (dịch vụ công trực tuyến là một chỉ tiêu);

ii) Theo ngành kinh tế: giai đoạn 2011 – 2012 chọn một số ngành đã có ứng dụng thương mại điện tử ở mức cao (dựa trên Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam do Bộ Công Thương công bố hàng năm). Từng năm có thể bổ sung các ngành mới. Dự kiến sơ bộ trong năm 2011-2012 chọn các ngành sau:

1. Phân phối (bán buôn, bán lẻ);
2. Quảng cáo;
3. Giải trí;
4. Giáo dục và đào tạo;
5. Du lịch (khách sạn, lữ hành);
6. Tài chính, Ngân hàng;
7. Vận tải, logistics (hàng không, đường biển, giao nhận);
8. Các dịch vụ chuyên môn (luật, kiến trúc, kiểm toán, v.v…)

5. Đơn vị tổ chức

i) Đơn vị chủ trì: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

ii) Các đơn vị phối hợp:
– Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương;
– Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Các Sở Công Thương;
– Một số Sở Thông tin và Truyền thông;
– Hội Tin học Việt Nam (triển khai VN ICT Index);
– Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (triển khai Xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh);
– Văn phòng Ủy ban quốc gia về Hội nhập kinh tế quốc tế (triển khai xếp hạng sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế);
– Một số hiệp hội ngành nghề.

6. Các hoạt động

i) Xây dựng Bộ tiêu chí, bao gồm các nhóm chỉ tiêu sau:

1) nhóm các chỉ tiêu chung về kinh tế, thương mại, đầu tư;
2) nhóm các chỉ tiêu về công nghệ thông tin và Internet;
3) nhóm các chỉ tiêu về mua bán trực tuyến sản phẩm hàng hóa và dịch vụ;
4) nhóm các chỉ tiêu về các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới thương mại.

Hàng năm, qua thực tiễn triển khai xây dựng chỉ số và tình hình phát triển thương mại điện tử sẽ bổ sung, sửa đổi Bộ tiêu chí.

ii) Xây dựng mẫu Phiếu khảo sát cho từng nhóm đối tượng (địa phương, ngành kinh tế);

iii) Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị liên quan tới việc thu thập dữ liệu, công bố chỉ số;

iv) Giới thiệu, quảng bá ý nghĩa của chỉ số, lợi ích của các bên khi tham gia xây dựng chỉ số.
– Tổ chức buổi lễ Công bố và Trao giải “Top 10 VN Ecom Index” hàng năm, gắn liền với Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam hoặc Hội thảo Quốc tế về TMĐT để giao lưu và tạo cơ hội liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở Trung ương và địa phương (Bộ Công Thương, các Sở Công Thương), các Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước về TMĐT, CNTT cũng như các tổ chức liên quan khác.

– Có chiến dịch “Hậu giải thưởng Top 10 VN Ecom Index” để truyền thông quảng bá cho các địa phương và doanh nghiệp đạt giải. Giai đoạn này là cơ hội để các địa phương và doanh nghiệp đóng góp kinh phí thực hiện chương trình. Theo các doanh nghiệp, việc công bố và trao giải là quan trọng, nhưng việc quảng bá tiếp theo còn quan trọng hơn. Cho đến nay ở Việt Nam chưa giải thưởng, xếp hạng nào làm được việc này. Nếu VECOM làm được sẽ kết nối chương trình trước với chương trình sau, nâng cao uy tín của Chỉ số trong xã hội.

7. Kinh phí

i) Kinh phí của VECOM;
ii) Kinh phí hỗ trợ từ Bộ Công Thương;
iii) Kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận.

* Không nhận kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các đối tượng thuộc diện xếp hạng.

8. Tiêu chí đánh giá

Thành công của hoạt động xây dựng VN Ecom Index căn cứ vào các tiêu chí sau:

i) Mức độ quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước về công thương, công nghệ thông tin và viễn thông ở Trung ương và địa phương;
ii) Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia muốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông ở Việt Nam;
iii) Mức độ quan tâm của các tổ chức trung gian như các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức quốc tế (UNCTAD, APEC, AFACT…);
iv) Tính phổ biến của việc sử dụng chỉ số (trong các báo cáo chính sách, nghiên cứu đầu tư, tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và các công cụ tìm kiếm, v.v…).

9. Rủi ro

i) Không thu thập được số liệu đủ tin cậy sử dụng cho việc xây dựng chỉ số;
ii) Không thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, công nghệ thông tin và truyền thông ở các tỉnh;
iii) Không thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong một số ngành kinh tế;
iv) Không thuyết phục được các nhà tài trợ;
v) Chỉ số không đủ tin cậy, không khách quan.

10. Công việc của năm 2011

i) Xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí sử dụng để xây dựng chỉ số và mẫu Phiếu khảo sát theo tỉnh và ngành kinh tế;
ii) Lấy ý kiến góp ý của các tổ chức chuyên môn, các chuyên gia, các đối tượng thuộc diện đánh xếp hạng cho dự thảo Bộ tiêu chí và mẫu Phiếu khảo sát, hoàn thiện và công bố hai tài liệu này;
iii) Xây dựng bộ phần mềm xử lý dữ liệu, tính toán, xếp hạng;
iv) Xây dựng quy trình triển khai VN Ecom Index theo địa phương và ngành kinh tế.

IV. Hợp tác với các Sở Công Thương phát triển thương mại điện tử

1. Mục tiêu và lợi ích

i) Mục tiêu:
Tăng cường sự hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động liên quan tới thương mại điện tử giữa VECOM với các Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi cả nước cũng như tại địa phương.

ii) Lợi ích:
– Với VECOM: tạo ra một kênh chính thức hỗ trợ cho các hoạt động của Hiệp hội tại các địa phương trên cả nước, phát triển và hỗ trợ các hội viên của Hiệp hội ở địa phương;
– Với các Sở Công Thương: tăng cường nguồn lực để giúp địa phương phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là sự giúp đỡ về chuyên môn, công nghệ, đào tạo gắn với thương mại điện tử;
– Với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin: tiếp cận trực tiếp và đa dạng tới các địa phương và doanh nghiệp, nắm bắt thực tiễn tình hình, giúp cho việc xây dựng và điều chỉnh chính sách, pháp luật về thương mại điện tử;
– Với các tổ chức, doanh nghiệp: nhận được sự hỗ trợ tư vấn của VECOM và các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử để mở rộng thị trường, khách hàng, quảng bá thương hiệu, tham gia các hoạt động, sự kiện lớn do VECOM, các Sở Công Thương và các đối tác tổ chức với chi phí thấp.

2. Căn cứ
– Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015;
– Điều lệ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Phương hướng hoạt động của VECOM Khóa II;
– Quyết định số 0338/QĐ-BCT ngày 21/1/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin;
– Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/5/2008 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”.

3. Đơn vị tổ chức
VECOM, Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương)

4. Tiến độ

i) Ký thỏa thuận:
– Năm 2011: ký thỏa thuận hợp tác với 5 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử tại địa phương (dự kiến là Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ).
– Năm 2012: ký với 80% các tỉnh, thành phố.

ii) Thời gian hợp tác: giai đoạn 2011 – 2015;

5. Hoạt động

i) Dự thảo mẫu biên bản Thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại điện tử với các địa phương;
ii) Làm việc với từng Sở Công Thương để bổ sung, sửa đổi và ký kết Thỏa thuận phù hợp với thực tiễn từng địa phương;
iii) Làm việc với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, các tổ chức và doanh nghiệp cùng tham gia ký kết Thỏa thuận và triển khai Thỏa thuận;
iv) Quảng bá, tuyên truyền hiệu quả hợp tác.

V. Hợp tác quốc tế

1. Mục tiêu
Tạo môi trường thuận lợi cho mua bán trực tuyến qua biên giới và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, hợp tác phát triển và ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong thương mại điện tử và thu hút sự hỗ trợ quốc tế cho VECOM.

2. Đơn vị tổ chức

i) Đơn vị chủ trì: VECOM

ii) Đơn vị phối hợp:
– Các hội viên;
– Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương);

3. Các hoạt động

i) Hợp tác với Trung tâm cơ hội số của Đài Loan trong khuôn khổ APEC (ADOC)
Hỗ trợ cơ sở vật chất cho Trung tâm Đào tạo Thương mại điện tử ADOC.

ii) Hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân
Cùng hội viên ECOMVIET thúc đẩy Chương trình Gán nhãn tín nhiệm website thương mại điện tử (Trustmark).

iii) Trao đổi với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (MUTRAP III) và các tổ chức, dự án, chương trình… của nước ngoài hiện diện tại Việt Nam tìm sự hỗ trợ cho thương mại điện tử Việt Nam nói chung và VECOM nói riêng.

VI. Hoạt động hợp tác với các tổ chức, đơn vị

1. Với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
Nghiên cứu Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, xây dựng Đề án xúc tiến thương mại điện tử năm 2012 gửi Cục này đúng thời hạn (trong tháng 7 năm 2011).

2. Với Viện Tin học doanh nghiệp (VCCI)
Trao đổi hướng hợp tác với Viện Tin học doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT và TMĐT trong doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực triển khai thương mại điện tử tại doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

3. Với các hội

i) Hội Tin học Việt Nam (VAIP)
Tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ và toàn diện trong mọi hoạt động của VAIP, bao gồm các sự kiện Cúp vàng ICT, IT Week, Hội thảo quốc gia về CNTT, v.v…

ii) Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA)
Phối hợp với VINASA tư vấn, phản biện các chính sách về phần mềm, đặc biệt là phần mềm (tự do) nguồn mở; phối hợp với VINASA trong các sự kiện như Sao Khuê, v.v…

iii) Hiệp hội an toàn thông tin số (VNISA)
Phối hợp với VNISA đẩy mạnh các hoạt động an toàn thông tin gắn với thương mại điện tử.

iv) Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA)
Trao đổi, tìm cơ hội hợp tác với VIA.

VII. Văn phòng VECOM và Văn phòng đại diện VECOM tại Thành phồ Hồ Chí Minh

1. Văn phòng VECOM

i) Thuê trụ sở mới:
Trong tháng 7/2011 thuê trụ sở mới cho Văn phòng, cố gắng có đủ diện tích cho Trung tâm Đào tạo Thương mại điện tử ADOC;

ii) Tuyển cán bộ Văn phòng
– Năm 2011, tuyển 01 Chánh Văn phòng và từ 1-2 nhân viên;
– Căn cứ vào thực tiễn hoạt động, từ năm 2012 có thể thuê 3 – 4 nhân viên.

iii) Lễ Khai trương trụ sở Văn phòng mới
– Sau khi hoàn thành nội thất, sẽ tiến hành Lễ Khai trương trụ sở Văn phòng mới. Đồng thời, tiến hành Lễ kết nạp hội viên mới.
– Phổ biến rộng rãi sự kiện này trên các phương tiện truyền thông nhằm mục tiêu quảng bá cho Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm của VECOM, tạo dư luận ban đầu cho sự đổi mới đầy năng động của Ban Chấp hành VECOM Khóa II.

2. Văn phòng đại diện VECOM tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Văn phòng đại diện)

– Triển khai mạnh mẽ kế hoạch phát triển hội viên. Đặt kế hoạch cam kết một thành viên BCH giới thiệu tối thiểu 5 Hội viên/ năm. Triển khai thu hút hội viên thông qua những chương trình hỗ trợ hội viên mới bằng những quyền lợi, ưu đãi thiết thực nhất.
– Kết hợp với các Hội khác ở Tp HCM như Hội tin học Tp HCM, Chi hội An toàn thông tin VNISA tổ chức một số hội thảo.
– Hợp tác với Sở Công Thương Tp. HCM xây dựng kế hoạch Hậu giải thưởng “BÌNH CHỌN WEBSITE VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐƯỢC NGƯỜI TIÊU DÙNG ƯA THÍCH NHẤT NĂM 2010” như quảng bá, đào tạo 10 lớp về TMĐT.
– Tiếp tục chuẩn bị chương trình BÌNH CHỌN WEBSITE VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐƯỢC NGƯỜI TIÊU DÙNG ƯA THÍCH NHẤT NĂM 2011.
– Kết hợp với Trường Đại học Phan Thiết, Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia tổ chức những Talk show về Thương mại Điện tử cho Sinh viên.
– Kết hợp với Chi nhánh phía Nam của EcomViet tổ chức đào tạo TMĐT cho các doanh nghiệp.
– Tiếp tục tham gia talk show trên BTV1 với chủ đề: “Tìm hiểu về Thương mại điện tử”
– Tổ chức ít nhất 3 sự kiện, hội thảo chuyên đề về TMĐT như:
+ Video Conference công cụ hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí Marketing, Sales cùng lúc nhiều khách hàng, nhiều địa điểm khác nhau. Công cụ hỗ trợ đào tạo trực tuyến giá rẻ;
+ Groupon mô hình kinh doanh mới trên Internet thuận lợi và thách thức. Những bất cập trong công tác quản lý khuyến mãi hàng truyền thống;
+ Tập huấn, cung cấp thông tin về việc đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo Thông tư số 46/2010/TT-BCT.

Các sự kiện được tổ chức gắn với việc kết nạp hội viên mới và trao kỷ niệm chương.

VIII. Các hoạt động phong trào và cộng đồng

1. VECOM Tennis Cup 2011

Tổ chức giải giao lưu thi đấu tennis giữa các hội viên và các đối tác.

i) Địa điểm và thời gian:
– Địa điểm ở hai thành phố Hà Nội và Tp HCM. Thi đấu ở Hà Nội trước, chọn ra hai đôi xuất sắc nhất. Sau đó tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh cũng chọn ra hai đôi xuất sắc nhất. Cuối cùng, 4 đôi sẽ thi đấu chọn ra 3 đôi đứng đầu để trao giải. Cũng có thể đảo ngược thứ tự: tổ chức ở Tp HCM trước, hai đôi xuất sắc nhất ra Hà Nội giao lưu thi đấu.
– Thời gian dự kiến vào tháng 9 (có thể diễn ra ngay sau Tuần mua sắm trực tuyến).

Văn phòng VECOM sẽ tham khảo ý kiến các hội viên và thông báo chi tiết sau.

2. Hoạt động từ thiện quyên góp cho quỹ từ thiện Hiểu về Trái tim

Kết hợp với Chi hội từ thiện Hiểu về Trái tim tổ chức một số chương trình phát động quyên góp để mổ tim cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh. Có thể là các hoạt động sau:
–    Vận động mua sách “Hiểu về Trái tim”;
–    Quyên góp trên mạng thông qua các thành viên, các cộng đồng mạng kêu gọi đóng góp vào tài khoản online, ví điện tử, dùng tin nhắn thông qua đầu số 1404 với 8.000đ/tin nhắn (Người nhắn sẽ chịu thêm chi phí nhắn tin là 300đ/tin nhắn, HVTT sẽ nhận được 100% tiền mà không phải trả tiền cho công ty điện thoại như các đầu số nhắn tin thông thường khác);
–    Cùng tham gia các sự kiện kêu gọi đóng góp như “Đêm nhạc Hiểu về Trái tim để Thương yêu và Hạnh phúc”.

3. Canavan xuyên Việt

i) Địa điểm và thời gian:
– Chọn một địa điểm ở miền Trung hoặc Tây Nguyên, chẳng hạn Quy Nhơn (Bình Định) hoặc Buôn Mê Thuột (Đak Lak);
– Thời gian có thể vào cuối tháng 10.

ii) Hình thức:
Các hội viên tham gia sẽ tự lái ô tô tới địa điểm tổ chức. Các xe ô tô đi theo đội hình, có logo sự kiện dán trên xe. Tổ chức theo hai đoàn chính: Đoàn xuất phát từ Hà Nội và Đoàn xuất phát từ Tp HCM.

iii) Hoạt động:
Tại địa điểm trên sẽ triển khai các hoạt động về thương mại điện tử. Sự kiện này có thể gắn với Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam (EcomBiz) do Bộ Công Thương tổ chức hàng năm. Sở Công Thương của tỉnh chủ nhà sẽ hỗ trợ VECOM tổ chức các hoạt động này.

iv. Tên gọi và truyền thông
Cân nhắc tên gọi Canavan cho hấp dẫn, quảng bá cho cả VECOM và Sở Công Thương tỉnh (hoặc các tỉnh trong trường hợp tổ chức mang tính chất vùng) chủ nhà.
Chẳng hạn: 1) Thương mại điện tử về với Tây Sơn (nếu tổ chức ở Bình Định); 2) Nối Tây Nguyên với thế giới bằng Thương mại điện tử (nếu tổ chức ở Buôn Mê Thuột hoặc Gia Lai, Kon Tum); 3) Canavan Con đường tơ lụa mới; v.v…

4. Cuộc thi trực tuyến “Đường phố tôi, Niềm tự hào của tôi!”

Gắn hoạt động của VECOM với các hoạt động xã hội, đặc biệt là của giới trẻ, qua đó nâng  cao uy tín của VECOM. Hoạt động này cần gắn chặt với việc sửa đổi, nâng cao chất lượng website www.hanoi1000nam.vn

i) Mục tiêu:
Khích lệ giới trẻ tìm hiểu lịch sử dân tộc và đề xuất các ý tưởng giải quyết những khó khăn của đô thị hiện đại (đặt tên đường phố, quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường, văn hóa ứng xử, v.v…).

ii) Hình thức: Tổ chức trực tuyến trên website của VECOM;

iii) Thời gian: dự kiến trong tháng 12.

iv) Tổ chức: Mời đại diện một số tổ chức và hội tham gia (Hội Lịch sử, Hội Kiến trúc, Ủy ban Nhân dân Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng, v…)

IX. Các hoạt động khác

Nâng cấp website www.hanoi1000nam.vn thành website các đường phố trên cả nước, giáo dục lịch sử dân tộc qua việc tìm hiểu thông tin về tên đường phố mang tên danh nhân.

VECOM