Các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phải khẩn trương mở các điểm bán hàng mới (tạm thời, dã chiến…) để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội.
Đó là yêu cầu trong công văn của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa phát đi. Theo đó, nếu có khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương kịp thời thông tin để phối hợp xử lý.
Mở thêm điểm bán hàng để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội
Ngoài ra các sở cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng… hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.
Vụ Thị trường trong nước cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã gửi phương án cung ứng hàng hoá theo 5 cấp độ, trong đó đặc biệt chú trọng đến 13 mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, nước uống, khẩu trang…
Vụ Thị trường trong nước cũng đã xây dựng sơ đồ tổng kho theo vùng về nguồn hàng để có thể điều tiết khi cần thiết.
Đối với nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo hàng hoá, đặc biệt là 13 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xăng dầu cho người dân trong thời gian cách ly xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước làm việc ngay với địa phương, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hoá xây dựng phương án cung ứng hàng hoá, tình hình lưu trữ, phương án, nhân lực vận chuyển.
Bộ này yêu cầu thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình về cung cầu hàng hoá từ 3-4 tiếng/lần.
Nguyễn Mạnh (dantri)