Do ảnh hưởng khó khăn dịch bệnh kéo dài cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử khiến hơn 8.700 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại tiếp tục rời thị trường trong 3 tháng qua, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng rao cho thuê mặt bằng kinh doanh ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Thanh Tao

Chủ căn nhà đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình – một trong những tuyến đường kinh doanh sản phẩm thời trang sầm uất của TPHCM, vừa tiếp đón nhận một doanh nghiệp mới đến trang trí mặt bằng cho thuê mới sau khi đã “tiễn đưa” một chủ shop thời trang cách đây không lâu do việc kinh doanh ế ẩm và thu không đủ bù chi.

Ông chủ cho thuê mặt bằng này không rõ doanh nghiệp mới này có thể duy trì thời gian thuê bao lâu, chứ đây là lần thứ 3 mặt bằng cho thuê của ông đã thay chủ chỉ trong vòng gần 2 năm qua dù tất cả họ đều đầu tư cho việc cải tạo và trang trí mặt bằng khá tốn kém.

Theo ông chủ mặt bằng này, dù thời gian ký hợp đồng cho thuê lên đến 2 năm, nhưng hoạt động chỉ vài tháng là doanh nghiệp lại trả mặt bằng để cắt lỗ vì họ nói doanh thu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh.

Còn cô Ngọc Oanh thì quyết định đóng cửa hàng ở trong hẻm đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận để đưa tất cả sản phẩm kinh doanh của mình lên website riêng và rao bán trên các trang thương mại điện tử nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng mà còn lại bán được nhiều hàng hóa hơn.

Những câu chuyện thường xuyên trả mặt bằng kinh doanh và “chuyển đổi số” sang bán hàng online dường như là xu hướng trong 2-3 năm qua của các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh thành khác. Xu hướng này diễn ra mạnh hơn nhiều kể từ khi dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm ngoái.

Trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Có thể thấy, ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Điều này được minh chứng bằng con số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong năm 2020 là gần 46.600 doanh nghiệp, tăng 62,2% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy với hơn 17.360 doanh nghiệp, tăng 56,2% so với năm 2019.

Và chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy lên đến hơn 8.700 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này bỏ xa những doanh nghiệp hoạt động ngành nghề khác gặp khó khăn phải rời thị trường.

Đơn cử như cùng thời gian trên, ở lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác chỉ có 1.470 doanh nghiệp rời thị trường (tăng 41,8%); hay lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.611 doanh nghiệp, tăng 36,4%); và lĩnh vực xây dựng (3.317 doanh nghiệp, tăng 21,3%);…

Nhiều mặt bằng vẫn chưa có người thuê. Ảnh minh họa: Thanh Tao.

Trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, một số lĩnh vực diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, trong đó kinh doanh phân phối thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn cao nhất.

Đại diện một doanh nghiệp bán tranh và quà lưu niệm cho khách du lịch quốc tế ở TPHCM cho biết công ty ông đã đăng ký tạm ngừng hoạt động 1 năm qua nhằm cắt lỗ và các chi phí hoạt động hàng tháng do khách quốc tế không đến được, trong khi tranh ảnh và sản phẩm quà tặng khác của công ty ông chủ yếu bán cho du khách nước ngoài.

Ông dự tính sẽ quay trở lại thị trường vào tháng 5 – 6 tới với niềm hy vọng khi đó khách nước ngoài được phép vào thị trường trong nước khi Covid không còn. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp ông không rõ kế hoạch quay trở lại kinh doanh của mình có thực hiện được không.

Bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, xu hướng kinh doanh trực tuyến (online) của doanh nghiệp cũng khiến cho mặt bằng nhà phố tại TPHCM và các thành phố lớn khác đã khó lại còn thêm khó khăn trong việc tìm khách thuê.

Khảo sát của các công ty quản lý bất động sản cũng cho thấy, khách thuê thuộc ngành hàng ăn uống (F&B) và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.

Khó khăn dịch bệnh Covid-19 cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân đã tác động nặng nề đến thị trường bán lẻ. Hàng loạt mặt bằng tại những khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TPHCM và Hà Nội đã treo biển cho thuê trong nhiều ngày qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn là lĩnh vực kinh tế mà doanh nghiệp có thể dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Do tác động của đại dịch Covid-19 và thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh nghiệp trong ngành bán buôn, bán lẻ gặp nhiều khó khăn vì sức mua giảm.

Và ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm nay, có 5.222 doanh nghiệp hoạt động bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy quay trở lại thị trường (chiếm 35,4% doanh nghiệp quay trở lại thị trường, và giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020).

 

Lê Hoàng (https://www.thesaigontimes.vn)