Tại Hội thảo “Khởi nghiệp cùng thương mại điện tử Việt Nam” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức chiều 7/5 tại Hà Nội, gần 600 bạn sinh viên đến từ hơn 10 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội đã cùng tham gia trao đổi, thảo luận về định hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

dien-gia

Ban Tổ chức tặng hoa cám ơn các diễn giả

Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả đến từ các startup hàng đầu trong lĩnh vực TMĐT của Việt Nam phải kể đến như: ông Trần Văn Trọng – Chánh văn phòng VECOM, ông Trần Trọng Tuyến – CEO DKT sở hữu 2 thương hiệu lớn Bizweb, Sapo; ông Lã Quốc Tuấn – đại diện Interspace sở hữu hệ thống Affiliate (tiếp thị liên kết) hàng đầu Việt Nam; ông Trần Đức Tâm – Trưởng dự án Z.com Việt Nam và ông Lê Đắc Thịnh Đồng – CEO Websosanh. Rất nhiều vấn đề đã được bàn luận tại hội thảo lần này, từ quan điểm về khởi nghiệp cho đến những cơ hội trước mắt cho những bạn sinh viên.

Thương mại điện tử Việt Nam là đại dương xanh cho khởi nghiệp

Theo số liệu thống kê từ eMarketer về tốc độ phát triển TMĐT trên thế giới năm 2015 so với 2014, theo đó, châu Á là khu vực có tốc độ phát triển cao nhất với con số ấn tượng 30%, trong khi châu Âu chỉ khiêm tốn ở mức 10%. Đây là nhận định mở màn của ông Trần Văn Trọng – Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) để thấy rằng TMĐT đang là xu hướng tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Với 45,5 triệu người sử dụng internet, chiếm 49% dân số Việt Nam cũng như 34% dân số dùng di động truy cập internet, ông Trọng khẳng định bất cứ ai có ý định khởi nghiệp trong TMĐT tức là đã bước vào đại dương xanh của khởi nghiệp.

2 Khoi nghiep cung TMDT Viet Nam 01

Cùng với nhận định này, ông Lã Quốc Tuấn – đại diện Interspace Việt Nam, đơn vị dẫn đầu trong mảng tiếp thị liên kết ACCESSTRADE chia sẻ thêm, chỉ tính riêng thị trường bán lẻ online (B2C) tại Việt Nam, doanh thu năm 2015 đạt mức 4,07 tỷ USD và trung bình một người tiêu dùng bỏ ra 160 USD để mua các sản phẩm liên quan đến thương mại điện tử.

Có thể thấy, xu thế phát triển TMĐT không còn ở tương lai xa mà đã ở ngay trước mắt. Nếu tất cả đều nhìn ra cơ hội thì sẽ không còn cơ hội nào cả. Khởi nghiệp trong thương mại điện tử không thể chờ đợi mà nên bắt đầu ngay khi có thể.

“Hãy học cách đứng trên vai người khổng lồ!”

Trong phần chia sẻ của mình, ông Lã Quốc Tuấn chia sẻ quan điểm cho rằng khởi nghiệp nên biết “đứng trên vai người khổng lồ”. Các bạn sinh viên nên sử dụng những gì đã có để học tập và sáng tạo ra những điều tốt hơn để vươn cao hơn. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn, người đi sau có lợi thế tiến nhanh hơn, nếu biết tiếp thu và ứng dụng thành công nguồn tài nguyên khổng lồ về khoa học, công nghệ, tài chính trên thế giới.

Theo ông Lã Quốc Tuấn phụ trách kinh doanh của Interspace Việt Nam, với các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn có thể bắt đầu khởi nghiệp, kinh doanh trực tuyến ngay hôm nay với những công cụ vô cùng đơn giản, chỉ cần sở hữu website, blog, thậm chí tài khoản Facebook cá nhân hỗ trợ bởi những kiến thức Digital Marketing.

Thông qua mô hình Tiếp Thị Liên Kết ACCESTRADE các bạn có thể chọn các sản phẩm, ngành hàng mà mình muốn tham gia phân phối, quảng bá cho các ông lớn như Adayroi, Tiki, Yes24, Lingo, Nguyễn Kim, Mymall… để nhận được doanh thu chia sẻ mà không cần phải lo khâu sản xuất, giao hàng, xử lý thanh toán hay các thủ tục pháp lý. Nhiệm vụ duy nhất của bạn là tạo thói quen và hành động mua hàng cho người dùng qua kênh thông tin của bạn bằng việc cung cấp nội dung hữu ích cho người dùng (như đánh giá sản phẩm, dịch vụ hoặc mã giảm giá, khuyến mãi). ACCESSTRADE sẽ là điểm tựa vững chắc để sinh viên có thể “đứng trên vai người khổng lồ” khởi nghiệp tốt hơn.

“Khởi nghiệp không phải là cuộc chơi mà là hành trình gian khổ”

Tại phần tiếp theo của buổi hội thảo, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty DKT (sở hữu nền tảng bán hàng online Bizweb) nhận định, khởi nghiệp không phải là một cuộc chơi, mà là một hành trình gian khổ.

Trước gần 600 sinh viên khối ngành Kinh tế, Marketing, Thương mại điện tử của nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội, từ kinh nghiệm khởi nghiệp 8 năm qua của mình để gây dựng một công ty có hơn 500 nhân viên, 20.000 khách hàng, ông Tuyến đã chia sẻ nhiều quan điểm khác biệt khi nói về chuyện “khởi nghiệp”.

“Khởi nghiệp là bắt đầu sự nghiệp của chính các bạn. Vì thế khởi nghiệp không phải là làm điều to lớn thay đổi thế giới, khởi nghiệp là làm điều các bạn thích, các bạn say mê để phát triển bản thân và giúp đỡ những người các bạn thấy cần thiết. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, hãy làm việc hết mình, có ý nghĩa, sẽ có nhiều cách để thành công” – ông Tuyến nhắn nhủ.

Bàn sâu về khởi nghiệp cho riêng lĩnh vực TMĐT, CEO của DKT cũng cho rằng để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, người khởi nghiệp phải xác định được đối tượng khách hàng, ưu việt trong sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần phải lựa chọn kênh bán hàng phù hợp. Theo báo cáo từ Cục TMĐT Việt Nam năm 2015, Website và Facebook là hai kênh được cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đánh giá là hiệu quả nhất với 76% và 68%.

Khi được hỏi về những điều cần chú ý khi khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, ông Tuyến cho rằng điều quan trọng nhất là “Không được cầu toàn”. Với đặc tính thay đổi nhanh, liên tục trong thời gian ngắn, anh Tuyến nhấn mạnh, nếu cứ chờ đợi sự hoàn hảo thì thị trường đã thay đổi trước khi bạn kịp khởi nghiệp. Ngoài ra vị CEO cũng nhắn nhủ đến các sinh viên, không được ôm đồm quá nhiều thứ khi bắt đầu, chỉ tập trung vào năng lực mạnh nhất của mình. Công nghệ kỹ thuật quan trọng, nhưng tốt nhất nên để người khác lo.

“.Shop” cuộc cách mạng mới trên thị trường TMĐT

Trong khi có nhiều nhận định khả quan về TMĐT Việt Nam, ông Trần Đức Tâm đại diện của Công ty Z.com thì cho rằng, nếu ví TMĐT ở Nhật Bản là người khổng lồ xanh (Hulk) thì ở Việt Nam mới chỉ là một lực sĩ. So sánh này để thể hiện dù tiềm năng rất lớn nhưng muốn thành công trong TMĐT ở Việt Nam, các bạn trẻ cần tối ưu nhiều thứ. Một số yếu tố được nhắc đến như tên miền ấn tượng, dễ nhớ (từ 2 đến 4 âm tiết), đuôi tên miền phù hợp. Cùng đó, phải có một website nhanh; có sản phẩm tốt đánh đúng nhu cầu, tâm lý cũng như phải có chế độ hậu mãi tốt với khách hàng.

shop

Thông tin lần đầu tiên được ông Tâm chia sẻ tại Việt Nam liên quan đến tên miền mới “.shop” (thuộc quyền sở hữu của GMO- công ty sở hữu thương hiệu Z.com) sẽ được triển khai vào cuối năm 2016 sẽ tạo ra một làn sóng mới trên thị trường TMĐT của Việt Nam cũng như thế giới.

“Với tên miền “.shop” việc truyền tải thông điệp của các cửa hàng bán lẻ lên TMĐT sẽ trở nên dễ dàng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thay vì tên miền .com/.net/.vn truyền thống “.shop” sẽ là một cuộc cách mạng thực sự trên thị trường TMĐT Việt Nam và thế giới.”

Hội thảo “Khởi nghiệp cùng thương mại điện tử Việt Nam” là sự kiện nằm trong kế hoạch tổng thể thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong năm 2016 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, qua đó nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực TMĐT, góp phần cho ngành này của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hội thảo tiếp theo cùng chủ đề “Khởi nghiệp cùng thương mại điện tử Việt Nam” sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cuối tháng 9/2016.

VECOM