Việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã chủ động xây dựng các phương án ngay cả trong trường hợp phong toả, giới nghiêm…
Bộ Công Thương vừa cung cấp thông tin về việc đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho thị trường.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bộ Công Thương cũng đưa ra chi tiết các phương án bảo đảm nguồn cung của một số địa phương, doanh nghiệp.
Theo đó, việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các phương án ngay cả trong trường hợp phong toả, giới nghiêm…
Cụ thể, trong trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động, các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng.
Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.
Trong trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động, khi đó, Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.
Về bố trí các điểm bán hàng, Bộ Công Thương cho biết ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).
Theo đó, các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Trước đó, theo Chỉ thị của Thủ tướng ngày 31/3, từ 0h ngày 1/4 sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội toàn quốc trong 15 ngày theo nguyên tắc “tỉnh nào ở tỉnh đó, nhà nào ở nhà đó”.
Trước diễn biến này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết các địa phương đều đã có “kế hoạch tác chiến”, kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độ.
Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao.
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn, kể cả phương án nếu Hà Nội cách ly trên diện rộng”, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định.
Nguyễn Mạnh (dantri)