Sở hữu người dùng smartphone đông đảo, lực lượng lao động trẻ, độ phủ internet cao là các yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam.
Việt Nam đang đặt mục tiêu hướng đến tỉ lệ đóng góp vào GDP của nền kinh tế số chiếm 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số được định nghĩa là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên internet.
Mô hình này được cấu thành dựa trên trụ cột: Kinh tế số ICT/viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành).
Cụ thể, (1) Kinh tế số ICT gồm: sản xuất phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truy cập internet. (2) Kinh tế số Internet/nền tảng gồm: kinh tế dữ liệu số, kinh tế nền tảng số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, kinh tế thuật toán, kinh tế Internet, kinh tế Gig. (3) Kinh tế số ngành/lĩnh vực, gồm: quản trị điện tử thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và du lịch thông minh.
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu nói trên chính vì thế Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 505/QĐ-TTg chọn Ngày chuyển đổi số quốc gia là ngày 10/10 hằng năm.
Thống kê gần đây của Insider Intelligence về người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021-2026 cho thấy, năm 2021 lượng người dùng smartphone tại Việt Nam đạt khoảng 62,8 triệu người, tăng 3,6% so với năm trước và chiếm 96% lượng người dùng internet trên cả nước.
Ước tính trong năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước.
Nhìn ở khu vực Đông Nam Á, lượng người dùng smartphone ước tính tại Việt Nam tính tới hết năm 2023 chỉ kém mỗi Indonesia, quốc gia có dân số đông nhất khu vực.
Insider Intelligence ước tính rằng với tốc độ này đến năm 2026, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam ước đạt 67,3 triệu người, tăng trưởng 1,7% so với năm trước đó và chiếm khoảng 96,9% lượng người dùng internet.
Việt Nam nhiều khả năng sẽ mở khóa nền kinh tế “Phygital”, thuật ngữ nói về sự kết hợp giữa thế giới vật lý (Physical) và công nghệ trong thế giới kỹ thuật số (Digital). Nguồn:adwright.com. |
Con số này mặc dù ít hơn so với mức 141,3 triệu người dùng smartphone tại Indonesia cùng thời điểm, nhưng tỉ lệ người dùng smartphone tại Indonesia chỉ chiếm 86,5% lượng người dùng internet tại quốc gia này vào năm 2026, thấp hơn Việt Nam.
Chính vì trong báo cáo “e-Economy SEA năm 2022” do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2022-2025 trong 6 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) với GMV (tổng giá trị trao đổi hàng hóa) tăng 31% từ 23 tỉ USD năm 2022 lên 49 tỉ USD trong năm 2025.
Mặt khác, với lực lượng lao động trẻ (phần lớn là thế hệ Millennial và gen Z), cùng với mức độ kết nối internet hơn 85%, Việt Nam nhiều khả năng sẽ mở khóa nền kinh tế “Phygital”, thuật ngữ nói về sự kết hợp giữa thế giới vật lý (Physical) và công nghệ trong thế giới kỹ thuật số (Digital).
Việc kết hợp trên nhằm đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng trong việc mua hàng hiện nay thông qua công nghệ AR (công nghệ tạo ra những hình ảnh kỹ thuật số có khả năng hiện thị trong thế giới thực) /VR (công nghệ mô phỏng lại thế giới thực).
Lĩnh vực ứng dụng khái niệm này sôi động nhất hiện nay là bán lẻ. Năm 2020, LOréal Group đã đưa cửa hàng Lancôme tích hợp mua sắm 3D ở Singapore. Khách hàng có thể trải nghiệm tư vấn da bằng bức hình selfie với E-youth Finder, một công cụ chẩn đoán sử dụng trí tuệ nhân tạo để đo các thông số chính của da và đề xuất thói quen chăm sóc.
Nổi bật nhất là Amazon, sau khi nắm trong tay thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở Mỹ (37,8%, Statista năm 2022), đơn vị này bắt đầu đổ bộ mảng bán lẻ truyền thống bằng chuỗi cửa hàng Amazon Go với trải nghiệm bước vào mua đồ và đi ra, hệ thống công nghệ sẽ nhận diện các mặt hàng khách mua và trừ tiền vào thẻ tín dụng của họ, hóa đơn sẽ được gửi về qua email.
Báo cáo quỹ đầu tư mạo hiểm Leta Capital và Devar năm 2022 chỉ ra rằng, dù phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua nhưng nền kinh tế kỹ thuật số vẫn chiếm chưa đến 6% tổng nền kinh tế toàn cầu, phần còn lại vẫn thuộc về thế giới vật lý.
Tốc độ gia tăng của các thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên internet và độ phủ của internet sẽ thúc đẩy sự phát triển của phygital, bằng cách mở rộng phạm vi của kinh tế số xuống thị phần của thế giới vật lý.
“Nhờ vào phygital ước tính trong vòng 15-25 năm tới, đóng góp của kinh tế số vào GDP toàn cầu có thể đạt tỉ lệ 50% với quy mô từ 100.000-200.000 tỉ USD”, báo cáo cho biết.
Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/