Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Alipay đang thông qua một công ty tư vấn đề mua cổ phần của một fintech đình đám về lĩnh vực thanh toán Việt Nam (fintech payment). Một khi đã hiện diện thành công, chiến lược tiếp theo của Alipay có lẽ là các gói khuyến mãi “sập sàn” để nhanh chóng thu hút người dùng, tương tự Uber, Grab.

 

Alipay đang có kế hoạch thâm nhập thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam.

 

Mua cổ phần, lập liên doanh – bước đi quen thuộc

 

Tuần qua, Alipay – nền tảng thanh toán trực tuyến đang càn quét thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc, đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).

 

Trước mắt, Alipay chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam như một trung gian thanh toán mà chỉ được phục vụ khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, việc Alipay cung cấp dịch vụ cho người Việt không còn xa.

 

Theo nguồn tin của báo Đầu tư, một đơn vị tư vấn trong nước đang giúp Ant Financial (công ty mẹ của Alipay) thúc đẩy thương vụ “tìm hiểu” một fintech đình đám trong nước.

 

Việc thâm nhập thị trường thông qua con đường mua cổ phần, lập liên doanh là bước đi quen thuộc mà Alipay đã thực hiện ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á.

 

Cụ thể, sau khi chi 1 tỷ USD thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada vào năm 2016, tháng 4/2017, Alibaba mua lại mảng thanh toán trực tuyến của Lazada (HelloPay), hiện đang hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

 

Không chỉ thâu tóm HelloPay, tập đoàn này còn góp vốn đầu tư, bắt tay với các doanh nghiệp thanh toán đình đám nhất tại các thị trường này để lập các liên doanh như BlackBerry Messenger (Indonesia), CIMB Group Holdings (Malaysia), Mynt (Philippines), Ascend Money (Thái Lan).

 

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, Tập đoàn Alibaba cũng đang nhòm ngó để mua lại một trang web mua sắm trực tuyến trong nước.

 

Trước đó, tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước tuần qua, tỷ phú Jack Ma – ông chủ Tập đoàn Alibaba cũng tiết lộ, tập đoàn này đang định hướng hợp tác với một số công ty Việt Nam để cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu; khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code; hợp tác trực tiếp, gián tiếp với một số công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech Payment…

 

Ba thách thức lớn đang chờ Alipay

 

Dấu chân của Alibaba đang ngày càng rõ nét trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Đông Nam Á, kéo theo đó là sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Alipay.

 

Câu hỏi đặt ra là, một khi đã đặt chân vào Việt Nam, Alipay liệu có thể “thu phục” được những người bán hàng (mechant) và người tiêu dùng sử dụng ứng dụng Alipay?

 

Trên thực tế, công nghệ thanh toán bằng mã QR code của Alipay đã được 12 ngân hàng Việt Nam triển khai, chưa kể một loạt fintech khác. Tuy nhiên, cho đến nay, các ví điện tử này phát triển khá èo uột, chưa phổ biến.

 

Nguyên nhân mấu chốt, các ví điện tử này đang nằm rời rạc, không có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng đầu cuối, không nằm trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

 

Nhưng với Alipay, câu chuyện sẽ khác. Tại Trung Quốc, Alipay đánh bật gã khổng lồ ebay ra khỏi thị trường vì gắn liền với website mua hàng trực tuyến Taobao. Thành viên Taobao thanh toán qua Alipay luôn được ưu đãi khủng.

 

Tại Việt Nam, công thức đó  sẽ được áp dụng. Việc Alibaba mua Lazada không chỉ để mở rộng thương mại điện tử, mà còn để dọn đường cho đế chế tài chính trực tuyến Ant Financial càn quét thị trường. Nếu Alibaba mua thêm một website mua sắm trực tuyến nữa ở Việt Nam, đồng thời lập thêm cả công ty logistics như đã làm ở một số nước, hệ sinh thái của Alipay sẽ được hoàn chỉnh và sự bùng nổ của Alipay là tương lai được báo trước.

 

Bà Nguyễn Thùy Dương đánh giá, Alibaba mua lại Lazada là bước đi chiến lược. Nếu Alipay phối hợp với Lazada thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, chắc chắn Alipay sẽ bùng nổ ở Việt Nam, giống như Uber, Grab.

 

Thử ví dụ, người tiêu dùng chỉ cần tải Alipay, mua hàng của Lazada được giảm giá tới 90%, miễn phí vận chuyển. Người bán hàng (mechant) tải ví Alipay để nhận thanh toán cũng được khuyến mãi tương tự. Chắc chắn, khi đó cơn sốt Alipay sẽ lan rộng và người tiêu dùng sẽ lũ lượt rời bỏ các ví hiện tại để chuyển sang Alipay.

 

Phát biểu tại Việt Nam tuần qua, tỷ phú Jack Ma úp mở chính sách “thưởng phạt” với khách hàng khi sử dụng Alipay: “Sử dụng ví điện tử Alipay thì giá thanh toán là 1 USD, nhưng nếu thanh toán COD (nhận hàng trả tiền) thì phí lên tới 50 USD”.

 

Trong cuộc chơi này, người chiến thắng kiên trì và đủ tài chính để đi đến cùng. Alipay có thừa khả năng  đó.

 

Tóm lại, theo bà Nguyễn Thùy Dương, Alipay đã phát triển mạng lưới mechant ở thị trường hơn 1 tỷ dân là Trung Quốc, không có lý do gì Alipay không thể làm được ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, cũng có ba vấn đề mà Alipay sẽ phải đối mặt khi vào Việt Nam.

 

Thứ nhất, khung khổ pháp lý ở Việt Nam cho fintech phát triển chưa hoàn thiện.

 

Thứ hai, nhận thức của người tiêu dùng về thanh toán điện tử còn yếu. Để thay đổi, Alipay phải đầu tư một khoản tiền lớn, thực hiện các chương trình khuyến mãi đình đám để thay đổi nhận thức người dùng và các mechant.

 

Thứ ba, tập hợp và phân tích dữ liệu ở Việt Nam chưa được chuẩn hóa, có thể sẽ gây khó khăn khi triển khai.

 

Thùy Liên (Theo Báo Đầu Tư)