Bà Đặng Nga – đồng sáng lập công ty VietNam Food Europe BV tại Hà Lan chia sẻ về xu hướng tiêu dùng và những chính sách, quy định về phát triển xanh đang được Liên minh châu Âu (EU) triển khai.

Bà Đặng Nga – đồng sáng lập công ty VietNam Food Europe BV chia sẻ trực tuyến thông tin về thị trường EU với các doanh nghiệp Việt Nam

Việt Nam là một trong 4 nước có hiệp định thương mại với EU ở khu vực châu Á. Chính sách thương mại của EU tập trung vào các quốc gia trên để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa. Năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0% giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU. Trong đó, các loại hàng hóa nông sản của Việt Nam như điều, cà phê, rau quả, thủy sản, gạo… có thế mạnh và thực tế đã tăng tốc xuất khẩu sang thị trường EU trong năm qua.

Tuy nhiên, EU cũng là thị trường đi đầu thế giới trong việc xây dựng giá trị mới cho các xu hướng phát triển. Bà Đặng Nga cho biết: ba giá trị mới điển hình của thị trường này là bền vững, công bằng và minh bạch. Hai xu hướng chính làm tăng nguồn cung bền vững là người tiêu dùng chuộng mua sắm bền vững và các chính sách, chiến lược phát triển xanh.

Phân tích xu hướng tiêu dùng xanh, bà Đặng Nga dẫn thống kê của Hà Lan và cho biết, dù nền kinh tế của gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới nhưng các mặt hàng thực phẩm bền vững vẫn tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ thực phẩm bền vững tại siêu thị tăng từ 8% trong năm 2013 lên 21% trong năm 2021 và năm 2022.

Một khảo sát khác được thực hiện tại Vương quốc Anh cho thấy, xu hướng tiêu dùng bền vững chiếm chủ đạo trong ngành thời trang. 26% người tiêu dùng ở Anh được khảo sát cho biết, các yếu tố về môi trường, bền vững đóng vai trò quan trọng khi họ quyết định mua sắm đồ thời trang.

Ở góc độ các nhà quản lý, theo báo cáo của tập đoàn kiểm toán, hơn 80% CEO của các doanh nghiệp, tổ chức bán lẻ khẳng định vai trò của ESG đã tăng trong 2 năm qua tại công ty của họ, ESG đang trở thành chất xúc tác khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm hơn với con người và môi trường.

Người tiêu dùng Pháp chọn mua gạo Việt Nam tại siêu thị 

Ngoài các hành vi của người tiêu dùng, các chính sách và chiến lược phát triển bền vững của EU đang đẩy nhanh nguồn cung bền vững cho thị trường. Điển hình là Giao ước xanh châu Âu – gói nhiều biện pháp bắt buộc và không bắt buộc với mục đích đưa châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới đạt NetZero, không tác động vào khí hậu trong năm 2050; tăng cường sự cạnh tranh của ngành công nghiệp EU và chuyển giao công bằng cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Cùng với đó là Chiến lược từ nông trại đến bàn ăn hay Chỉ thị báo cáo bền vững doanh nghiệp sẽ khiến gần 50.000 doanh nghiệp ở châu Âu bắt buộc phải báo cáo phát triển bền vững vào năm 2024. Theo bà Đặng Nga, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn vào EU, các doanh nghiệp của Việt Nam cần tìm hiểu, xác định xem có phải cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp là bên mua, đối tác tại châu Âu không? Nếu có thì cần phải cung cấp những thông tin gì?

“Xu hướng này tạo sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác nhập khẩu để đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường” – bà Đặng Nga nhấn mạnh.

Khi chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng phát triển tất yếu và hình thành luật chơi mới về thương mại đầu tư trên toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam vì thế cần chú trọng chuyển dịch sản xuất, dịch vụ theo hướng “xanh”, tạm dừng sản xuất sản phẩm có phát thải lớn, ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng. Các sản phẩm xanh có nhiều cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị phần, phát triển ổn định tại các thị trường khó tính như châu Âu.

 

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/