Năm 2020, các chuyên gia dự báo, cơ hội sẽ nằm ở các DN trong lĩnh vực truyền thống, trong đó có ngành phục vụ tiêu dùng, phân phối bán lẻ. Nhưng để thực sự “thăng hoa”, các DN ngành này phải biết tận dụng cơ hội, nhất là tìm kiếm những hướng đi mới.

Thương vụ M&A giữa Vinmart và Masan sẽ giữ thị phần bán lẻ tiếp tục trong tay người Việt Ảnh: ST

“Như nấm sau mưa”

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), thị trường sôi động, phát triển ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung – cầu các loại hàng hóa. Nguyên nhân của sự tăng trưởng này, theo các chuyên gia, là do cơ hội mà Việt Nam đang tạo ra cho các DN bán lẻ khi ngày càng mở cửa thị trường, cùng các tiềm năng sẵn có.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, Việt Nam có thị trường lên tới 100 triệu dân nên vô cùng hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Linh, khi tiếp xúc với doanh nghiệp Thái Lan sang tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu Việt Nam thì họ thường quan tâm tới ngành hàng tiêu dùng là chính. Vì thế, tiềm năng phát triển của ngành hàng này là rất lớn và sẽ là mảng thị trường “lên ngôi” trong thời gian tới, không chỉ lĩnh vực bán lẻ như hàng tiêu dùng, mà còn là về nghệ thuật, giải trí và giáo dục – đó là những ngành kinh doanh rất lớn nhưng dịch vụ và chất lượng hàng hoá còn rất nhỏ.

 

Thực tế thị trường cho thấy, ngay tại Hà Nội, thời gian gần đây các chuỗi cửa hàng cà phê, các chuỗi cửa hàng nhượng quyền đang mọc lên “như nấm sau mưa”. Nhiều DN cho biết, tưởng chừng như đây là cơ hội làm ăn nhỏ nhưng thực sự lại rất lớn khi đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu thị trường Việt Nam. Vài tháng trở lại đây, các cửa hàng trà chanh đua nhau mọc lên, trong đó trà chanh Bụi Phố đã có số lượng cửa hàng nhượng quyền lên tới gần 400, trải khắp cả nước. Chuỗi cửa hàng này là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm những bạn trẻ, nhưng do biết “đánh” vào tâm lý thích thưởng thức đồ uống vỉa hè, giá cả phải chăng của tầng lớp trẻ Việt Nam nên đã và đang tạo được sự thành công khá lớn.

Có thể thấy, các DN Việt Nam đang hết sức cố gắng để giữ thị trường bán lẻ vào tay mình, bởi cơ hội từ “miếng bánh” thị trường này là rất lớn. Như mới đây, thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có thể gọi là đình đám nhất năm 2019 giữa Vinmart và Masan cho thấy nỗ lực của 2 “đại gia” trong việc giữ thị trường bán lẻ. Nhiều dự báo đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ tăng từ 25% hiện tại lên 40%, quy mô lên tới 180 tỷ USD. Nên nếu rơi hết vào tay các DN nước ngoài như các trường hợp M&A trước đây, thì sự tăng trưởng của thị trường này sẽ khó mang đến lợi ích cho Việt Nam. Do đó, “thương vụ tỷ đô” giữa 2 DN lớn của Việt Nam, nhất là khi Masan có quá nhiều kinh nghiệm về ngành hàng tiêu dùng cũng là một “điểm sáng” để ngành bán lẻ Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm tiếp theo.

Tận dụng thương mại điện tử

Nói về ngành phân phối bán lẻ hiện nay, không thể không nhắc đến lợi ích mà thương mại điện tử mang lại. Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2015-2018, thương mại điện tử tại Việt Nam liên tục chứng kiến tăng trưởng cao ở các tiêu chí cốt lõi. Doanh thu bán lẻ thị trường Việt Nam năm 2019 ước đạt 211 tỷ USD, trong đó doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD (tăng trưởng 30%) tương ứng 4,92% thị phần bán lẻ. Xu thế tăng trưởng của mảng thương mại điện tử tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao trong tương lai (ước tăng trưởng bình quân năm khoảng 30%) đạt mốc 50 tỷ USD chiếm khoảng 12% thị trường bán lẻ trong nước đến năm 2025.

Nhận xét về tiềm năng của Việt Nam, ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, cũng như nguồn cung ứng lao động dồi dào. Do đó, Amazon Global Selling tại Việt Nam sẽ không ngừng hỗ trợ các đối tác bán hàng Việt Nam trong suốt hành trình kinh doanh của họ trên Amazon. Ý kiến này cho thấy, thương mại điện tử là xu thể tất yếu và là cơ hội cho các DN bán lẻ, thậm chí, thương mại điện tử không chỉ giúp các DN mở rộng thị phần trong nước mà còn hướng xuất khẩu ra thế giới.

Trong những năm qua, nhiều DN Việt Nam đã biết tận dụng và phát triển nhờ vào thương mại điện tử. Tuy vậy, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, phần lớn doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước vẫn đứng ngoài cuộc, có tới 82% các doanh nghiệp của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc với thương mại điện tử, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên. Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB cho biết, các DN cần phải có chiến lược đầu tư bài bản thì mới tận dụng được hết thế mạnh từ thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các DN cũng phải thay đổi tư duy và cần sự chủ động. Vì thế, để giúp các DN trong vấn đề này, mới đây, Amazon Global Selling đã hợp tác với T&T Group và Ngân hàng SHB trong các chương trình để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử thông qua hệ thống ngân hàng.

Hương Dịu (Theo Báo Hải Quan)