Gia tăng xu hướng đặt phòng trực tuyến

Hiện cả nước có trên 15.000 khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort), trong đó khoảng 7.300 – 7.500 khách sạn tham gia các hệ thống bán phòng trực tuyến qua trang cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trung gian kết nối như Mangdatphong.vn, Agoda.vn, Ivivu.com, Chudu24.com,  Checkinvietnam.com…

Trao đổi với phóng viên ICTnews, bà Trương Quỳnh Trang, Phụ trách kinh doanh và truyền thông của Tập đoàn Du lịch Quốc tế Checkin Việt Nam, đơn vị bán phòng trực tuyến sở hữu hệ thống Checkinvietnam.com và  Mangdatphong.vn cho biết: Khảo sát các đối tác của công ty thì nhận thấy gần 70% khách sạn, resort trên toàn quốc đang tham gia hệ thống bán phòng trực tuyến. Các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA) đang chiếm một thị phần nhất định dần thay thế cho đại lý du lịch (Travel Agency – TA) truyền thống.

Trên thị trường hiện có 2 loại nhu cầu đặt phòng trực tuyến của khách du lịch: chỉ riêng đặt phòng hoặc đặt tour du lịch trọn gói trong đó có dịch vụ đặt phòng. Đối tượng người tiêu dùng chủ yếu là giới trẻ mê du lịch hoặc khách đi công tác, dự hội thảo đang rất ưa chuộng phương thức đặt phòng trực tuyến. Còn phương thức đặt tour trọn gói là lựa chọn ưu tiên của những đối tượng khách du lịch độ tuổi trung niên, những người muốn có cảm giác yên tâm khi chưa có nhiều thông tin về dịch vụ du lịch tại điểm đến.

Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT, người tiêu dùng, khách du lịch có thể lựa chọn điểm đến qua website để tìm kiếm thông tin so sánh giá cả, chất lượng, lựa chọn phòng với đầy đủ hình ảnh thực, sau đó đặt phòng và thanh toán trực tuyến. Xu hướng sắp tới, khách hàng có thể đặt phòng trực tuyến bằng các phần mềm ứng dụng viết cho những thiết bị di động thông minh. Khi đó, du khách có thể đặt phòng và thanh toán mọi lúc mọi nơi qua iPhone, thiết bị chạy hệ điều hành Android hay IOS…

Những lưu ý với người tiêu dùng

Với phương thức đặt phòng truyền thống – gọi điện cho khách sạn để đặt phòng, người tiêu dùng có thể gặp một số rủi ro như bị ép giá trong mùa cao điểm, mất phòng bởi có người khác đặt chỗ với giá cao hơn, nhất là vào những dịp thường “cháy” phòng như 30/4, 1/5, 2/9…

Với phương thức đặt phòng trực tuyến, người tiêu dùng có thể chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi của mình với chi phí hợp lý mà không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu sử dụng dịch vụ của một số nhà cung cấp dịch vụ website đặt phòng chỉ áp dụng phương thức khách hàng liên hệ đặt phòng với nhân viên qua điện thoại thì sẽ  mất nhiều thời gian bởi có thể khách sạn không còn phòng, phải tìm khách sạn khác hoặc phải thương thuyết để có giá hợp lý nhất.

Để khắc phục hạn chế này, Checkin Việt Nam đã tiên phong áp dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyến theo đúng tiêu chí thời gian thực (real-time), khách hàng chỉ cần thao tác chọn điểm đến hoặc khách sạn, hệ thống mangdatphong.vn sẽ hiển thị thông tin về tình trạng phòng, hạng phòng, giá phòng và các chương trình khuyến mại tại thời điểm khách hàng tham khảo. Với thao tác đơn giản khách hàng có thể nhanh chóng đặt và thanh toán với nhiều hình thức linh hoạt.

Dẫu sao, hiện vẫn còn có những rủi ro khó tránh đối với người tiêu dùng như chất lượng phòng nhận không đúng như thông tin đăng trên website đăng bán. Đã có trường hợp khách đặt phòng trên mạng là seaview (phòng hướng biển) nhưng thực tế khi đến khách sạn chỉ nhận được phòng city view (phòng hướng thành phố). Hoặc hình ảnh phòng khách sạn đăng trên web rất đẹp, ảnh chụp góc rộng nên khách hàng tưởng phòng rộng 40 – 50m2 nhưng đến khi nhận được phòng thì chỉ thấy có 16 – 17m2.

“Những nhà cung cấp website dịch vụ đặt phòng trực tuyến luôn khảo sát chất lượng dịch vụ của khách sạn, resort đối tác để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nhưng cũng rất khó kiểm soát được nếu như các khách sạn, resort cố tình làm ăn theo kiểu “chụp giật”, kém chuyên nghiệp. Song những trường hợp như vậy không phổ biến mà đa phần khách sạn, resort luôn đảm bảo chất lượng uy tín trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thông minh và thị trường nhiều cạnh tranh như hiện nay”, bà Trang chia sẻ.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là nhiều khách hàng chỉ biết tới những website của nhà cung cấp nước ngoài đang khai thác thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia thì các website nước ngoài có nhược điểm là chỉ chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế như Visa, Master Card…, không tích hợp cổng thanh toán nội địa. Mặt khác, đối với khách hàng trong nước khi sử dụng đặt phòng trên website nước ngoài, nếu gặp những tình huống phát sinh tại khách sạn thì khó tiếp cận bộ phận chăm sóc khách hàng do giới hạn ngôn ngữ và khoảng cách địa lý…

Hiện đã có một lựa chọn khác dành cho người tiêu dùng, đó là những website/sàn cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến của nhà cung cấp dịch vụ nội địa với nhiều hình thức thanh toán nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, chấp nhận thanh toán chuyển khoản, ebanking, Visa, Master… hoặc thanh toán qua các đơn vị trung gian như Smartlink, Ngân Lượng...

Nguồn: ICT News