Quan điểm mới nhất của cơ quan quản lý với câu chuyện trần khuyến mãi là tiếp tục giữ nguyên quy định có từ năm 2006 với việc doanh nghiệp không được khuyến mãi giảm giá quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ (trừ những chương trình tập trung hoặc xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Với bối cảnh các hình thức kinh doanh phát triển mạnh mẽ; hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện như hiện nay, có lẽ cơ quan quản lý cần… nghĩ lại về quan điểm này của mình.

 

Liên quan đến trần khuyến mãi, từ mấy năm trước, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý hoạt động xúc tiến thương mại ở các tỉnh thành đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương xem xét dỡ bỏ quy định. Lý lẽ của các bên liên quan đưa ra là quy định có từ năm 2006 không còn phù hợp với bối cảnh thị trường đã phát triển, số lượng doanh nghiệp trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực gia tăng và phải cạnh tranh gay gắt để giành và giữ chân khách hàng. Quy định này là “vòng kim cô” bó buộc doanh nghiệp không thể bán hàng để thu hồi vốn trong những thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa tồn kho cao, dòng tiền bị ngưng trệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý thì gặp khó trong việc thực thi. Nói như vị phó phòng xúc tiến thương mại của một sở công thương ở phía Nam thì mỗi năm có hàng ngàn chương trình khuyến mãi, chỉ riêng việc ngồi đọc đăng ký từ doanh nghiệp, so sánh đối chiếu mặt hàng, chủng loại là đã hết thời gian; nhân lực lại thiếu nên việc quản lý trên thực tế là không thể. Chưa hết, cũng vì thấy quy định bất cập nên chính cơ quan thực thi chấp nhận “ngó lơ” để doanh nghiệp tự do khuyến mãi, giảm giá tùy thích.

Ở thời điểm hiện tại, bối cảnh thị trường còn khác hơn rất nhiều. Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp ở mỗi lĩnh vực, ngành hàng ngày càng đông đảo. Mức độ cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng khốc liệt. Quan trọng hơn, với sự phát triển của công nghệ, đã có thêm nhiều hình thức thương mại xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, vượt ra ngoài những phương thức quản lý truyền thống. Thương mại điện tử (mua bán trên mạng Internet) là một ví dụ. Người tiêu dùng có thể mua bán xuyên biên giới, có rất nhiều công cụ để so sánh, đối chiếu giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ…

Và để thu hút người tiêu dùng trong một thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp đã và đang phải dùng đến rất nhiều hình thức khuyến mãi. Chẳng hạn tại các siêu thị, với hóa đơn mua hàng từ 500.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ được mua một sản phẩm nào đó với giá chỉ bằng một phần năm, một phần bảy giá bình thường. Khách hàng có thẻ thành viên còn được giảm giá thêm vài phần trăm, tích điểm để cuối năm nhận khuyến mãi khác. Các trung tâm điện máy thì giảm giá thêm 10% cho khách hàng thanh toán bằng thẻ ghi nợ của các ngân hàng có liên kết đồng thời với việc đã giảm giá trên từng sản phẩm. Rất nhiều doanh nghiệp cũng chọn cách trưng biển khuyến mãi với giá bán tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm và nếu tính cụ thể, mức giảm có khi lên 70-80%… Đó là chưa kể những chương trình khuyến mãi kiểu như giá bán chỉ là 11.000 đồng/sản phẩm (trong khi giá bình thường là hàng triệu đồng) nhân sinh nhật 11 năm thành lập công ty, bán cho 11 khách hàng nhận được thông báo qua tin nhắn, điện thoại… Nếu đối chiếu với quy định hiện hành, những khuyến mãi dạng này trong nhiều trường hợp đã vượt ngoài khuôn khổ và các cơ quan quản lý hoàn toàn không thể kiểm tra, kiểm soát, không chỉ vì thiếu nhân sự mà còn vì không đủ công cụ, khả năng.

Dẫn chứng như vậy để thấy, đến lúc này, công cụ trần khuyến mãi vốn được ra đời từ năm 2005-2006 đã không còn phù hợp với bối cảnh thị trường mới cũng như không thể thực thi trong thực tế. Vì vậy, cơ quan quản lý nên gỡ bỏ quy định đã lỗi thời này và để doanh nghiệp tự do bán hàng, tận dụng mọi cơ hội kinh doanh có thể có trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt mà họ đang phải đối mặt hàng ngày khi thị trường mở cửa, công nghệ phát triển và có khả năng làm thay đổi mọi thứ liên tục. Việc này cũng giúp gỡ bỏ trách nhiệm, gánh nặng quản lý cho chính cơ quan thực thi, giảm tải thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Còn để bảo vệ doanh nghiệp khi bị đối thủ có tiềm lực kinh tế, dùng hình thức giảm giá mạnh để thu hút người tiêu dùng nhằm mục tiêu giành giật thị phần, thậm chí triệt hạ, loại bỏ thì cơ quan quản lý cần kích hoạt Luật Cạnh tranh. Bởi lẽ, các hành vi kiểu này là cạnh tranh không lành mạnh và đã có chế tài xử lý trong Luật Cạnh tranh 2004. Luật này cũng đang được Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới cũng như có thể áp dụng vào thực tế, điều còn rất hạn chế trong 10 năm vừa qua.

Theo TBKTSG