Tháng 4/2018, Indonesia đã đưa ra một lộ trình với tên “Indonesia 4.0” với mục tiêu nâng cấp 5 ngành sản xuất với hy vọng đưa Indonesia vào nhóm 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Ảnh: DeWshirst

 

Indonesia đang xem xét lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 11 nước thống nhất thông qua sau khi Mỹ rút đi để tính đến việc gia nhập, theo khẳng định của phó Tổng thống Indonesia, ông Jusuf Kalla.
Những tuyên bố mới nhất từ phía Indonesia đánh dấu cho thay đổi chính sách mới của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, trước đó Indonesia từng tuyên bố hiệp định thương mại đã mất đi sự hấp dẫn khi không còn sự tham gia của nước Mỹ.
Phát biểu bên lề hội nghị Tương lai châu Á mới đây, ông Kalla khẳng định rằng Indonesia hiện đang xem xét đến những điều kiện và khả năng gia nhập hiệp định TPP: “Tất nhiên, TPP miễn thuế trong khi Indonesia vẫn đang đóng thuế, chính vì vậy sẽ không hề dễ dàng cho hàng hóa của Indonesia cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, ý định của Indonesia sẽ là gia nhập sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực”.
Ông Kalla cho biết ông hy vọng rằng những nghiên cứu mà chính phủ ông đang tiến hành sẽ có thể kết thúc trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm tới và sau đó Indonesia sẽ có quyết định cuối cùng. Nghiên cứu sẽ tập trung vào việc khả năng cạnh tranh của Indonesia sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Indonesia gia nhập TPP.
12 nước khu vực Thái Bình Dương gia nhập TPP vào tháng 2/2016 thế nhưng vào năm ngoái Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức và thực thi cam kết tranh cử của ông. 11 nước thành viên còn lại đã chấp thuận ký vào bản TPP sửa đổi, giờ đây có tên mới là CPTPP. Hiệp định TPP mới sẽ có hiệu lực một khi 6 thành viên phê chuẩn.
Vào tháng 4/2018, Indonesia đã đưa ra một lộ trình với tên “Indonesia 4.0” với mục tiêu nâng cấp 5 ngành sản xuất với hy vọng đưa Indonesia vào nhóm 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. 5 ngành sản xuất mà Indonesia nhắm tới việc phát triển mạnh hơn bao gồm ngành thực phẩm đồ uống; ngành may mặc và dệt may; ngành ô tô; ngành hóa chất và ngành điện tử – những lĩnh vực này đối diện với sự cạnh tranh dữ dội từ các nền kinh tế láng giềng của Indonesia.
Hiện tại Indonesia đang tham gia vào một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tháng 2/2018, Indonesia đăng cai tổ chức các cuộc đối thoại của RCEP. Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Enggartiasto Lukita, khẳng định rằng mối liên minh đó được coi như ưu tiên của Indonesia.
Tuy thế, khi mà các cuộc đàm phán tiếp tục kéo dài, lẽ ra ban đầu các vòng đối thoại có thể kết thúc vào năm ngoái, ông Kalla đã phát đi tín hiệu rằng Indonesia sẽ ưu tiên đến TPP.
 (Theo BizLive)