Ông Lê Minh Loan – đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an (C50) nhận định, lừa đảo trên website bán hàng qua mạng diễn ra phổ biến. Cụ thể, người bán không giao hàng hoặc giao hàng không đúng chất lượng, thời hạn. Một số đối tượng lợi dụng hoạt động cổng thanh toán trung gian để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Song song đó, các website hoạt động huy động vốn dưới dạng kinh doanh đa cấp diễn ra công khai với thủ đoạn tinh vi hơn để đối phó với cơ quan chức năng.

Điển hình, khoảng cuối tháng 4/2014, Phòng PC46, Công an TP Hồ Chí Minh đã phá một đường dây bán hàng lừa đảo qua mạng. Với chiêu lừa giảm giá 60% toàn bộ sản phẩm rao bán trên website www.iphonehot.net (chủ yếu là hàng điện tử, kỹ thuật số) và khách hàng sẽ nhận được hàng ngay sau 48 giờ kể từ chuyển tiền mua hàng. Vì ham hàng giá rẻ nên đã có hàng trăm người chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để mua hàng. Tưởng sẽ mua được hàng tốt, nhưng tất cả các khách hàng đều nhận được hàng Trung Quốc cũ, hư hỏng, những thứ đồ chơi không thể sử dụng được…

Kiểm tra hai tài khoản do các đối tượng lừa đảo lập ra để lừa người mua chuyển tiền vào, bước đầu cơ quan CSĐT đã xác định số tiền các nạn nhân chuyển vào hơn 700 triệu đồng. Với chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT đã bắt ba đối tượng chuyên điều hành trang web này. Nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo bán hàng qua các trang web, sau đó “cuỗm” tiền của khách hàng rồi biến mất nhưng không giao hàng.

Thực tế, trong năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý lành mạnh trong việc phát triển TMĐT, như: Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Nghị định 185/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong vực thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… nhưng tình trạng hàng cấm, hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện  trên các website TMĐT.

Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho rằng, trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu quy chế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT. Đồng thời, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật để tạo môi trường và hành lang pháp lý cho các hoạt động TMĐT. Hiện nay, việc bán hàng qua các mạng xã hội khá nhiều, trong khi chủ mạng xã hội thì không phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra thiệt hại cho bên mua hàng.

Vì vậy, trong năm 2014, Cục TMĐT và CNTT cũng sẽ tìm giải pháp cho một số vấn đề như quản lý giao dịch điện tử qua điện thoại, trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch TMĐT, chủ của các mạng xã hội. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Theo Vecita

 

Các bài liên quan khác:

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đi vào cuộc sống

Nhiều website thương mại điện tử có nguy cơ bị phạt

Làm thế nào để website giảm thiểu vi phạm hành chính?

Động lực để TMĐT phát triển đúng hướng