Ngành bán lẻ Việt Nam được cho là sẽ được hưởng lợi khá nhiều khi Việt Nam tham gia và là thành viên đầy đủ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dưới góc nhìn của một chuyên gia, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về câu chuyện này.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Việt Nam đã ký kết thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Bương (CPTPP). Theo bà, hiệp định lịch sử này sẽ có tác động thế nào đến ngành bán lẻ của chúng ta?
Theo tôi, trong năm 2019 ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc. Bởi hiện Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của CPTPP. Hiệp định lịch sử này có tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, kể cả sản xuất, thương mại và dịch vụ.
Chúng ta đã nói nhiều về cơ hội và thách thức mà CPTPP đem lại. Cơ hội mở ra cho hàng hóa các nước thành viên, thâm nhập giao lưu trao đổi mua bán lẫn nhau là rất lớn. Song cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt bởi năng lực trình độ, tầm nhìn chiến lược trong phát triển thương hiệu của chúng ta còn khá hạn chế. Riêng lĩnh vực phân phối – bán lẻ cũng sẽ chịu tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nhưng nhận định cho rằng “Làn sóng các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam vốn dĩ đã mạnh, nay thêm các cam kết trong CPTPP, cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ có thể sẽ thêm gay gắt” hoặc “CPTPP có hiệu lực, ngành bán lẻ Việt Nam bị đe dọa?” e rằng chưa thật chuẩn xác vì việc mở cửa thị trường bán lẻ trong CPTPP (và trong cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)) về cơ bản vẫn dựa trên WTO, vì vậy không có thay đổi lớn về cam kết quốc tế so với WTO.
Điều đáng chú ý là sau năm năm (tức vào năm 2024), Việt Nam sẽ bỏ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ các nước CP TPP, nghĩa là các nhà bán lẻ nước ngoài có thể mở cơ sở bán lẻ ở bất cứ đâu và lúc đó, sức ép cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ lớn hơn.
Bên cạnh đó, cùng với làn sóng hàng hóa nhập khẩu phong phú, đa dạng … thâm nhập vào Việt Nam sau khi CPTPP có hiệu lực, cũng có nhiều khả năng có thêm các nhà đầu tư CPTPP đã, đang và sẽ quan tâm tới thị trường bán lẻ giàu tiềm năng và rất sôi động của chúng ta. Dự báo năm 2019 – 2020, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại rót vốn thông qua đầu tư trực tiếp cũng như các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi nổi.
Bà đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai? 2018 đánh dấu sự phát triển liên tục của ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục có một năm tăng trưởng ngoạn mục, đạt 4.395.704 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, trong đó bán lẻ hàng hóa vẫn là trụ cột chính với mức tăng 12,4%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ luôn cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Xu hướng phát triển của thị trường sẽ tập trung vào một số điểm sau:
Thương mại điện tử tiếp tục có một vai trò ngày càng tăng trong ngành bán lẻ: Mặc dù tình hình cạnh tranh khốc liệt và nhiều doanh nghiệp có tên tuổi (Lazada, Tiki, Sendo, Shoppee, Adayroi, …) cũng phải nỗ lực hết sức để đứng vững và phát triển, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, yếu hơn … đã phải lặng lẽ rời bỏ thị trường nhưng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng , trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục giữ vai trò tiên phong.
Nếu như trước đây người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại thì ngày nay, việc mua sắm của họ đã không chỉ giới hạn trong một định dạng bán lẻ nào mà hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến.
Mở rộng mạng lưới bán lẻ: Cuộc đua của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và doanh nghiệp FDI.
Saigon Co.op hiện đã có hơn 500 điểm bán lẻ trên cả nước với nhiều định dạng khác nhau, bao gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City và cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Co.op Smile, cửa hàng Co.op, … cũng như kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op. và tiếp tục mở thêm nữa. Mạng lưới điểm bán cũng được các tập đoàn phân phối – bán lẻ lớn khác tại Việt Nam như Vincommerce, Aeon, Lotte, Metro… tập trung phát triển.
2019 cũng là năm thị trường bán lẻ đón nhận thêm những “tân binh” nhiều tiềm năng khác bên cạnh hệ thống các siêu thị Q Mart (tập đoàn T & T); siêu thị FujiMart (liên doanh giữa Tập đoàn BRG – Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo – Nhật Bản)… đã “chào sân” thành công trong năm 2018.
Cuộc đua lý thú giữa bán lẻ hiện đại với bán lẻ truyền thống, giữa bán lẻ trực tuyến với bán lẻ trực tiếp mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Mua sắm tại chợ hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong năm 2019, điều này khá dễ hiểu do ngành bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm từ 100% là bán lẻ truyền thống (và theo nhận định của chúng tôi, tình hình này sẽ còn kéo dài đến sau 2030).
Điều thú vị nữa là năm 2019 cũng sẽ khẳng định sức sống lâu bền của bán lẻ trực tiếp (bán lẻ tại cửa hàng) trước sự “tấn công” ào ạt của bán lẻ trực tuyến.
Nhỏ là đẹp (Small is beautifull) sẽ là mô hình bán lẻ tiếp tục nổi bật trên thị trường Việt Nam. Mô hình các cửa hàng nhỏ (mini mart) và cửa hàng tiện lợi (convenience store) sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019. Đây cũng là xu hướng chung của các thị trường khu vực và thế giới./. Anh PHương (thực hiện) |
Ngành bán lẻ Việt Nam với bài toán cạnh tranh trong CPTPP
Ngày đăng: 24/02/2019 13:11:27