Thất nghiệp do kinh tế số là khởi đầu của một kỷ nguyên phát triển “khủng khiếp” của loài người, dẫn tới tăng trưởng năng suất lao động “đột biến”.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Ảnh: VERP)
Việc chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được cho là sẽ khiến một lượng lớn lao động con người bị thất nghiệp, do việc tự động hóa gia tăng nhanh.
Nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đã từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thất nghiệp hàng loạt này. Thực tế, tại Việt Nam, không ít các doanh nghiệp, công ty sản xuất nhờ ứng dụng tự động hóa đã giảm đáng kể số lao động trực tiếp.
Thất nghiệp để tăng năng suất “đột biến”
Tác động đầu tiên của kinh tế nền tảng có thể quan sát được là những thay đổi về nghề nghiệp, về cách sống rất nhiều và biểu hiện của thất nghiệp. Nhiều người cho rằng thất nghiệp là một vấn đề tiêu cực của xã hội.
Tuy nhiên theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, với tư cách là một nhà kinh tế, ông cho rằng đó là những giai đoạn báo trước một kỷ nguyên phát triển khủng khiếp của loài người, chứ không phải là tạo ra một nhóm người “ăn không ngồi rồi”.
“Nếu như nguồn lao động đó còn khả năng học hỏi thì thay vì làm các công việc cũ, họ làm việc khác, xã hội sẽ có thêm những nguồn lực mới, như vậy tổng sản phẩm toàn xã hội sẽ tăng lên. Xã hội có nhiều sản phẩm hơn thì cũng giàu có, thịnh vượng hơn”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành phân tích.
Ở Việt Nam, quá trình này cũng đang bắt đầu diễn ra. Thoạt tiên, ta sẽ có cảm giác có rất nhiều vị trí không cần con người nữa, dẫn đến thất nghiệp. Nhưng những người bị thay thế đó mà cho rằng mình thất nghiệp là thất bại, là không hiểu gì về quá trình chuyển đổi xã hội hiện nay. Đơn giản là việc mình học để định làm thì đã có máy móc làm hộ rồi. Phải học, phải làm việc khác để tạo ra giá trị mới.
“Đây là lúc mà con người phải tư duy nhiều, tìm hiểu rất nhiều. Với tư duy như vậy, chúng ta sẽ chung sống được với xã hội hôm nay một cách thuận lợi và chủ động hơn”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu rõ.
Với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão và các quá trình phát triển mang tính chất hội tụ công nghệ, con người trở nên gần nhau hơn.
Tất cả các hệ thống sẽ hỗ trợ để có các giao dịch thực sự diễn ra về mặt kinh tế. Tiền có thể trao đổi được, hai người có thể trực tiếp trao đổi ngay lập tức, không cần có ai làm thân làm quen, giới thiệu. Việc đó làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau thay đổi hoàn toàn, thay vì có thể không bao giờ gặp được nhau, hoặc gặp nhau phải mất đến 20 năm, 10 năm, thì giờ chỉ là một tích tắc.
“Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng khủng khiếp và năng lực của con người, trí tuệ và khả năng con người tăng vọt”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Ngày càng có nhiều người trẻ tham gia trực tiếp nền tảng kinh tế số thế giới thay vì góp mặt vào cộng đồng lao động truyền thống. (Ảnh minh họa: KT)
Kinh tế số đang “hút” giới trẻ
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ, trong đó có cả giới trẻ tại Việt Nam lựa chọn tham gia vào nền tảng kinh tế số tự làm thay cho việc đi làm ở một công ty, góp mặt vào cộng đồng lao động như truyền thống.
“Thực tế hiện nay, nhờ số hóa và khả năng tận dụng kinh tế nền tảng số, nhiều bạn trẻ tự kinh doanh trên Amazon, Airbnb hay nhiều nền tảng số khác… để tạo giá trị gia tăng cao mà giúp giải phóng nguồn lực lớn cho xã hội. Thị trường lao động hiện đã thay đổi rất nhanh”, ông Nguyễn Đức Thành nêu ví dụ.
Việc tìm kiếm người tài, người có năng lực trên thị trường lao động không còn dễ dàng. Cũng như các nhà tuyển dụng buộc phải bỏ ra chi phí lớn hơn nếu muốn tuyển dụng người tài. “Cơ chế đưa ra công việc ổn định đã không còn là điều kiện có thể thu hút được nhân lực giỏi như trước kia”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Chúng ta đang ở trong một thời đại mà mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang chiếm lĩnh các mô hình truyền thống. Trên thế giới, các mô hình nền tảng số chiếm ưu thế nhờ hai lợi thế nổi bật: Chi phí cận biên gần như bằng không trong sản xuất và phân phối; Giá trị được tạo ra từ hiệu ứng mạng tích cực khi gia tăng sản xuất sẽ dẫn đến tiêu thụ nhiều hơn và ngược lại.
Một loạt ông lớn như Facebook, Google, AirBnB, Grab, Uber, Youtube, Amazon… đã tạo ra đột phá trên thị trường ngay từ khi mới xuất hiện nhờ vào những lợi thế trên. Để bắt nhịp và tiệm cận kinh tế nền tảng số, một trong những điều kiện tiên quyết cần thay đổi chính là nguồn nhân lực.
Vân Anh (Theo VOV)