Hàng Nhật không chỉ tận dụng tốt tâm lý chuộng đồ ngoại của người tiêu dùng Việt, mà còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng…

 

 

Trước đây, khi thị trường bán lẻ Việt Nam chưa mở cửa cho hàng tiêu dùng nhập khẩu, hầu hết người Việt Nam có thu nhập khá sẽ chọn hình thức mua hàng ngoại xách tay. Và xuất xứ của loại hàng này ở thị trường Việt Nam đa phần từ Hoa Kỳ (Mỹ), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Trong đó, hàng Mỹ và Nhật được nhiều người Việt sử dụng nhất, chiếm từ 40% – 50%.

 

Còn hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ, hàng tiêu dùng từ nhiều nước (với mức thuế nhập khẩu giảm thấp hoặc bằng 0%) đang tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, theo khảo sát của Công ty TNHH W&S (Công ty nghiên cứu thị trường 100% vốn Nhật Bản), người Việt càng khá giả càng ưa chuộng hàng hóa Nhật Bản, với mức tiêu thụ tăng khoảng 10%/năm.

 

Đối với hàng xuất xứ từ Nhật Bản, nếu trước đây người Việt ưa chuộng nhóm sản phẩm máy móc công nghiệp, đồ điện tử, công nghệ, thì nay tăng sử dụng thêm hàng gia dụng, mỹ phẩm, đồ dùng học tập, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ và nhiều loại thực phẩm chế biến, đóng hộp hay rau quả tươi sống…

 

Theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro), hàng hóa Nhật Bản ngày càng phổ biến ở Việt Nam, một phần do người tiêu dùng Việt Nam vốn đã ưa thích hàng hóa Nhật Bản vì chất lượng tốt, hạn sử dụng một món hàng rất dài. Còn lại là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các tổ chức của Nhật Bản như Jetro.

 

Tổ chức này hỗ trợ chi phí quảng cáo và thủ tục nhập khẩu cho các doanh nghiệp để giúp họ mang hàng đến Việt Nam, đây là một phần của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Nhật (nhất là DNNVV) tăng xuất khẩu hàng hoá ra thế giới.

 

Trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu hàng hoá trị giá gần 45 tỷ yên từ Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Khảo sát của Công ty TNHH W&S cho thấy, trên 90% người tiêu dùng Việt ưa chuộng sản phẩm Nhật và 100% người tiêu dùng Việt được hỏi, đều đánh giá tích cực về chất lượng sản phẩm hàng hóa Nhật Bản.

 

Tại thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, các thương hiệu Nhật Bản gần như đi sau hàng Thái Lan, Trung Quốc về quảng bá, tiếp cận thị trường. Nếu người Thái tổ chức hội chợ hàng Thái thường niên tại TP. Hồ Chí Minh từ hàng chục năm trước, hay doanh nghiệp Thái tiếp cận tiểu thương, bán sỉ hàng vào chợ đầu mối Việt rầm rộ. Thì mãi đến năm 2017 người Nhật mới bắt đầu tổ chức hội chợ hàng Nhật Bản (tại Hà Nội).

 

Tuy nhiên, những nhà bán lẻ Nhật Bản lại chọn cách đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam bằng các trung tâm mua sắm (Aeon Mall, Takashiyama), chuỗi cửa hàng tiện lợi  (MiniStop). Thông qua hệ thống bán lẻ này, họ đưa hàng nghìn chủng loại hàng hóa của nước mình đến tận tay người tiêu dùng Việt rất thành công.

 

Với cung cách kinh doanh tận tụy, không để mất lòng khách, người Nhật chưa từng hạ giá sản phẩm họ để chèo kéo khách hàng. Một ví dụ nhỏ, tại khu vực trái cây tươi của Trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú, nhóm mặt hàng táo nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand giá cao nhất là 95.000 đồng kg – 110.000 đồng/kg, nhưng táo Fuji nhập khẩu trực tiếp từ Nhật, giá bán phải từ 195.000 đồng – 250.000 đồng/kg.

 

Hay với các mặt hàng thực phẩm Nhật, giá bán luôn cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Việt Nam từ 20% – 50%, nhưng vẫn được người tiêu dùng Việt ưu tiên lựa chọn. Một hộp muối lạc hay muối vừng để ăn xôi của Nhật có giá đến 220.000 đồng chưa đến 100 gram, đắt hơn hàng Việt gấp 10 lần, vẫn không đủ hàng để bán.

 

Hàng Nhật không chỉ tận dụng tốt tâm lý chuộng đồ ngoại của người tiêu dùng Việt, mà còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này giải thích vì  sao người Việt có thu nhập tốt ngày càng tiêu thụ nhiều hàng hóa Nhật Bản.

 

Thanh Trà (Theo Thời báo Ngân hàng)