Không chỉ mảng kinh doanh bán lẻ bị cạnh tranh bởi người nước ngoài, ngay cả các vị trí nhân sự trung và cao cấp trong ngành này cũng đang bị lao động nước ngoài “lấn sân”.
Khan hiếm nguồn cung lao động bán lẻ hiểu về thương mại điện tử – Ảnh: TL
Theo báo cáo “Những yếu tố tác động tới nhân sự ngành bán lẻ hiện tại và trong tương lại” do Navigos Search phát hành hôm 2-10, ứng viên nước ngoài là đối thủ cạnh tranh đáng gờm cho các vị trí nhân sự cấp cao và cấp trung trong ngành bán lẻ.
Theo quan sát của Navigos Group, sự dịch chuyển lao động trong khu vực dẫn đến sự cạnh trạnh mạnh mẽ hơn từ ứng viên nước ngoài. 50% nhà tuyển dụng cho biết hiện nay họ có chính sách tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nước ngoài. Về phía ứng viên, 46% cho rằng công việc của họ đang gặp phải sự cạnh tranh từ ứng viên nước ngoài.
Chia sẻ về năng lực của ứng viên nước ngoài, 33% ứng viên tham gia khảo sát cho rằng ứng viên từ châu Âu giỏi nhất trong ngành bán lẻ; 26% đánh giá cao năng lực của ứng viên đến từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); 22% nghĩ rằng ứng viên thuộc khu vực Đông Nam Á là giỏi nhất trong ngành này.
Bên cạnh đó, do xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nên ứng cử viên có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn trong ngành bán lẻ.
Nhà tuyển dụng cho rằng họ sẵn sàng trả lương cho ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử cao hơn ứng viên không có kinh nghiệm trong mảng này. Cụ thể, 37% cho biết họ trả lương cao hơn 10 – 20% và 5% nhà tuyển dụng trả cao hơn 21 – 30%.
Tuy nhiên, do lĩnh vực thương mại điện tử còn khá mới với thị trường Việt Nam, do vậy có đến gần một nửa ứng viên (48%) tham gia khảo sát không có kinh nghiệm trong mảng này. Gần một nửa còn lại (46%) cho biết họ có một vài năm kinh nghiệm và 6% cho biết họ có nhiều năm kinh nghiệm về thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ thường than rất khó tuyển dụng được người làm được việc trong ngành này do các trường đại học rất ít khoa đào tạo về ngành bán lẻ; nhiều lao động còn có tư tưởng không muốn làm trong ngành dịch vụ, không muốn phục vụ người khác nên nguồn cung lao động trong phân khúc này rất ít.
Theo khảo sát của Navigos Search, ngành bán lẻ đòi hỏi sáng tạo và năng động. Điều này cũng dẫn tới thách thức lớn nhất mà nhà tuyển dụng trong ngành này phải đối mặt là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao.
Chia sẻ cụ thể về thách thức lớn nhất này, 28% nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên không cam kết lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc; 49% nhà tuyển dụng cho biết, các ứng viên trong ngành này thường bị dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc. Thách thức này của nhà tuyển dụng cũng tương đồng với sự phản ánh từ phía ứng viên cho thấy, có 60% ứng viên tham gia khảo sát chia sẻ, thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ 2 – 3 năm.
Thùy Dung (Theo TBKTSG)