Theo nhận định của giới chuyên gia, để doanh nghiệp có thể phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, cần nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ thông qua việc miễn, giảm một số loại thuế và chi phí đầu vào khác.

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm 2021

Miễn, giảm thuế là cần thiết

Vừa trải qua năm 2020 với đầy rẫy khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp bước vào những tháng đầu tiên của năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt với các doanh nghiệp vận tải, du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi hàng loạt hoạt động như du xuân đầu năm, lễ hội… không được tổ chức.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị gia hạn một số loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn; tiền thuê đất. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 không giảm do các doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh phải nộp đủ số thuế được gia hạn trước ngày 31/12/2021.

Đánh giá về đề xuất của Bộ Tài chính, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một động thái đúng đắn và kịp thời, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp báo cáo thuế một phần năm trước và quý 1 năm nay. “Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang phải thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch, chính vì vậy các chi phí sẽ tăng cao hơn. Việc hoãn, giãn thuế là vô cùng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, không chỉ hoãn, giãn mà còn có thể tính tới phương án miễn, giảm một số loại thuế phí cho doanh nghiệp, tạo đà để doanh nghiệp có thể giảm chi phí đầu vào, phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.

Cũng cùng quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cần giảm bớt các khâu thanh, kiểm tra trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, có thể giảm thuế VAT của một số ngành hàng để kích cầu tiêu dùng.

“Doanh nghiệp Việt rất nhanh nhạy, thích ứng rất tốt trong khó khăn. Chính vì vậy, nếu dịch được kiểm soát tốt cùng với các biện pháp hỗ trợ kịp thời thì dù nhiều chông gai nhưng khả năng phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp là rất lớn. Từ đó, mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế dự kiến sẽ trong tầm tay”, ông Hưng cho biết.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm cần nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ dành riêng cho ngành du lịch, trong bối cảnh du lịch gần như lại “đóng băng” cuối năm 2020 và cả trong những tháng đầu năm 2021.

Cần nhanh chóng và thiết thực

Theo các chuyên gia, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ phải “đúng và trúng” mà cần nhanh chóng và thiết thực, tránh tình trạng doanh nghiệp không thể tiếp cận các gói hỗ trợ.

Đơn cử như đối với các gói hỗ trợ trong năm 2020, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc các bộ, ngành thiết kế các chính sách chưa thật sự sát với thực tiễn của cuộc sống, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Chính những điều này khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ. Đáng chú ý là việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương đang là một rào cản.

Bên cạnh đó, các giải pháp hoãn, giãn, miễn giảm thuế chỉ là những biện pháp mang tính thời điểm, điều quan trọng là việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, lợi thế từ việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để có thể biến những cơ hội thành động lực thật sự thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thì phải có một cơ chế đồng bộ và nhanh chóng khi triển khai hiệp định. Trong khi, độ trễ của các văn bản được ban hành thường rất lâu. Chính vì vậy, trừ doanh nghiệp lớn có nhận thức và nắm bắt kịp thời các cơ hội thì đa số doanh nghiệp nhỏ còn nằm ngoài cuộc chơi, khi họ chưa nhìn thấy cơ hội dành cho mình. Bên cạnh đó, theo ông Dũng, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh.

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao CTCK KIS nhận định: Giải pháp căn cơ trong bối cảnh mới là phải đẩy mạnh đầu tư công, rất nhiều dự án mới với nguồn vốn lớn đang được tiến hành. Đây là một trong những mấu chốt. Bên cạnh đó, trong năm 2020, chính sách tiền tệ cũng đang là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai một cách rất thành công. Hy vọng trong thời gian tới, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục linh hoạt, mềm dẻo để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, theo ông Phương, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới để lấy lại đà tăng trưởng và phát triển.

Sớm có gói hỗ trợ lần 2

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý một số nội dung nổi bật. Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó, “có giải pháp mà các đồng chí đã nói là kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà quy định pháp luật cho phép”.

Bộ Kế hoạch – Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ lần 2. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, thường xuyên đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng.

 

Quỳnh Trang (Theo Thời báo Ngân hàng)