Thời gian qua, tại thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực từ kinh doanh bất động sản, đầu tư công nghệ, du lịch, hàng không… đều đã xuất hiện xu hướng hợp tác toàn diện hoặc bắt tay liên kết đối với những lĩnh vực, mảng miếng mà DN mỗi bên có sẵn thế mạnh để phát huy.

Ảnh minh họa.

 

Mới đây, Tập đoàn Yeah1 và Tập đoàn Tân Hiệp Phát với thương hiệu nổi tiếng Number 1 đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ sinh thái công nghệ truyền thông số của Yeah1 nhằm tiếp cận trực tiếp đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ để triển khai các chương trình marketing đột phá từ 2020.

 

Sự hợp tác chiến lược này không chỉ góp phần mạnh mẽ cho sự tăng trưởng của Yeah1 và Tân Hiệp Phát trong thời gian tới, mà sự cộng hưởng giữa hai “ông lớn” có thế mạnh ở hai lĩnh vực khác nhau còn được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho người tiêu dùng Việt. Được biết, trước đó Yeah1 cũng đã cung cấp nhiều giải pháp quảng cáo và tiếp thị số cho các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Heniken, Unilever, Grab, LG… nhằm giúp các thương hiệu này gia tăng sức cạnh tranh.

 

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Tập đoàn Yeah1 cho biết, bên cạnh những nhà đầu tư với thế mạnh về tài chính thì bề dày kinh nghiệm trong quản trị và vận hành của Tân Hiệp Phát là giá trị mà Yeah1 tìm kiếm và học hỏi. Tân Hiệp Phát là công ty lựa chọn tập trung cung cấp các mặt hàng có lợi cho sức khỏe tới người tiêu dùng. Với thế mạnh của Yeah1 trong việc tiếp cận và khai thác trực tiếp tới cộng đồng người dùng là giới trẻ chiếm gần 2/3 trong tổng số hơn 97 triệu dân Việt Nam, Yeah1 sẽ cung cấp những giải pháp để các mặt hàng này tiếp cận và truyền tải đến người trẻ tuổi bằng ngôn ngữ của giới trẻ.

 

Tương tự, nhằm gia tăng sức mạnh và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, trước đó không lâu, hai trong số những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam là Vingroup và Masan công bố sẽ sáp nhập VinCommerce và VinEco với CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Việc sáp nhập được kỳ vọng giúp người tiêu dùng hưởng lợi nhờ giảm đáng kể các khoản chi phí phát sinh trong quá trình phân phối, còn doanh nghiệp sẽ hạn chế sự dàn trải trong đầu tư.

 

Theo các chuyên gia, việc bắt tay giữa 2 doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam về sản xuất và bán lẻ được dự báo sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt và gần 30% thị phần bán lẻ tại Việt Nam hiện đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại.

 

Thời gian qua, tại thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực từ kinh doanh bất động sản, đầu tư công nghệ, du lịch, hàng không… đều đã xuất hiện xu hướng hợp tác toàn diện hoặc bắt tay liên kết đối với những lĩnh vực, mảng miếng mà DN mỗi bên có sẵn thế mạnh để phát huy. Đây được coi là hướng đi, lựa chọn đúng của không ít DN trong bối cảnh hiện nay để hướng đến một mục đích kinh doanh nhất định như gia tăng tiềm lực tài chính, mở rộng mức độ phủ sóng trên thị trường hoặc tận dụng một cách tối đa lợi thế của đối tác.

 

Còn nhớ những năm qua, cú bắt tay chặt chẽ giữa một doanh nghiệp tên tuổi kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản FLC với ông lớn ngành viễn thông Viettel tưởng chừng như… chẳng có gì liên quan đến nhau lại mở ra những kỳ vọng to lớn bất ngờ cho cả hai bên. Trong một năm qua, Viettel đã hỗ trợ FLC thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp như triển khai mô hình văn phòng điện tử E-office, lắp đặt hệ thống mạng truyền hình, internet, hệ thống thanh toán trực tuyến, tích hợp các dịch vụ hàng không, khách sạn, golf trên nền tảng số…

 

Ngược lại, FLC có thể cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng như dịch vụ hàng không, khách sạn, dịch vụ giải trí, phân phối vé máy bay thông qua các kênh bán hàng trực tiếp, kênh số do Viettel phát triển và sở hữu. Với những lợi ích đạt được, FLC và Viettel dự kiến tiếp tục thực hiện những nội dung trong thỏa thuận hợp tác toàn diện lâu dài mà hai bên đã ký trước đó.

 

Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và có nhiều biến động hiện nay, việc liên kết, hợp tác được xem là một giải pháp tốt để vượt qua khó khăn, chủ động ứng phó với tình hình. Để bắt tay được với một đối tác đem đến lợi ích cho cả đôi bên, ngoài yếu tố lợi nhuận kinh tế, mục tiêu kinh doanh, thì yếu tố quan trọng hơn chính là phải đạt được sự thỏa thuận, những cam kết, ràng buộc trong hợp đồng. Tuy nhiên, không phải sự hợp tác nào cũng mang đến sự thành công và không phải DN nào cũng có thể hợp tác được, mà chỉ có thể hợp tác với các đối tác có sự tương đồng về năng lực, văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt là phải minh bạch, tin tưởng lẫn nhau trong suốt quá trình hợp tác mới có thể thành công.

 

Tuyết Anh (Theo Thời báo Ngân hàng)