Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, luôn chủ động và linh hoạt tìm kiếm các giải pháp, dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình huống. Và nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ “hậu Covid-19”.
Napoli giới thiệu sản phẩm tại hội thảo
Mô hình nhiều tiềm năng
Tại hội thảo “Khởi nghiệp với mô hình nhượng quyền thương mại” vừa diễn ra ở TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM (ITPC) cho biết, hiện nay mô hình kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Đây là phương thức giúp các doanh nghiệp nhượng quyền tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp. Đối với bên nhận nhượng quyền, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong kinh doanh. Thông qua uy tín của các thương hiệu lớn được nhượng quyền, sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Không những vậy, doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm được đáng kể chi phí tạo dựng thương hiệu cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng. Hoạt động nhượng quyền thương mại giúp các doanh nghiệp trong nước được nhận chuyển giao từ những thương hiệu nổi tiếng, có uy tín, được học hỏi, tiếp cận với phương thức kinh doanh và quản lý tiên tiến của thế giới.
“Theo Hiệp hội Nhượng quyền thương mại quốc tế (IFA), Việt Nam được xem là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí, dịch vụ trẻ em và cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong thời gian tới” – ông Nguyễn Tuấn cho biết thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia – thành viên sáng lập và điều hành Công ty World Franchise Associates cho biết, ngành nhượng quyền có đóng góp đáng kể vào GDP và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các quốc gia có ngành nhượng quyền phát triển, mức đóng góp của nó vào khoảng 5-10% GDP. Trong tương lai, nên lựa chọn đầu tư vào những ngành phục vụ nhu cầu cơ bản với những mô hình linh hoạt, đa dạng kênh doanh thu, có vốn đầu tư vừa phải và thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, cần ứng dụng nền tảng quản trị số vào hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư mô hình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có một mô hình nhượng quyền bền vững, doanh nghiệp phải quan tâm tới 5 yếu tố bao gồm thương hiệu và mô hình, nền tảng vận hành, nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng, nền tảng công nghệ.
Tại Việt Nam, trước khi dịch Covid-19 bùng phát đã có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm và rất thành công như: Trung Nguyen Coffee, Pho 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Do Bakery, Wrap and Roll, Café Cong, AQ Silk, Shop and Go, Highland’s Coffee… Trong thời kỳ “hậu Covid-19”, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh mẽ ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, O2O (Online – to – Offline), DevOps, mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.
Ông Lê Đăng Khoa – Chủ tịch Le Group Ventures chia sẻ, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, luôn chủ động và linh hoạt tìm kiếm các giải pháp, dịch chuyển mô hình kinh doanh, đa dạng hóa kênh doanh thu nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, nắm bắt cơ hội và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trong mọi tình huống. Và nhượng quyền thương mại hiện cũng đang nổi lên là mô hình có khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ “hậu Covid-19”.
Cơ sở pháp lý của nhượng quyền thương mại
Bà Trần Thị Hương – luật sư, người sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn Đầu tư và Sở hữu trí tuệ Rachel, Phó Ban Đối ngoại – Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế VICMC đã chia sẻ về những cơ sở pháp lý của nhượng quyền thương mại tại Việt Nam hiện nay. Đó là khi soạn thảo và đàm phán hợp đồng nhượng quyền, doanh nghiệp cần hiểu được rằng bản chất của hợp đồng nhượng quyền là hợp đồng cho thuê. Ngoài ra, người tham gia kinh doanh nhượng quyền cần lưu ý đến ngôn ngữ của hợp đồng; các điều khoản đảm bảo chất lượng; kênh truyền thông sản phẩm, dịch vụ; nguồn nguyên liệu thay thế; điều khoản chuyển tiếp về quyền, gia hạn hợp đồng; quy định về hạn chế kinh doanh; các điều khoản bảo mật thông tin, quyền sở hữu trí tuệ… Quan trọng là trước khi nhượng quyền, theo quy định tại Luật Thương mại, thì bên nhượng quyền phải tiến hành đăng ký với Bộ Công thương. Đây là bước khởi đầu quan trọng để một hoạt động nhượng quyền chính thức được triển khai hợp pháp tại thị trường Việt Nam.
Có thể lấy câu chuyện của Công ty cổ phần Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu cà phê Napoli (Công ty Napoli) làm ví dụ về thành công trong nhượng quyền thương mại. Công ty đã nhượng quyền hơn 3.000 cửa hàng ở cả trong và ngoài nước, xuất khẩu sản phẩm cà phê đi nhiều nước trên thế giới, các sản phẩm của Napoli đã có mặt tại hầu hết các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Đây là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực cà phê.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Napoli cho biết, với đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đang sở hữu, Napoli luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong hoạt động kinh doanh nhượng quyền nhằm đem lại lợi ích cho các bên. Đồng thời, công ty cũng sẵn sàng, cởi mở chia sẻ với các doanh nghiệp những kinh nghiệm về nhượng quyền thương mại đã tích lũy được trong hơn 25 năm qua, từ đó doanh nghiệp tránh được những rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh trong lĩnh vực này cũng như tạo nền tảng vững chắc để phát triển.
Tuyết Thanh (Theo Thời báo Ngân hàng)