Khi ông Nguyễn Đức Tài – con trai của một người bán hàng rong – cho biết ông muốn cách mạng hóa ngành điện thoại di động của Việt Nam, gần như chẳng có ai mảy may bận tâm về nó.
“Mọi người cười nhạo tôi”, ông Tài nhớ lại thời điểm năm 2009.
Tuy nhiên, ông đã thực hiện đúng với lời nói của mình. CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) của ông trở thành công ty bán điện thoại di động hàng đầu tại Việt Nam và là một trong những công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE. Công ty hiện nay có vốn hóa khoảng 1.7 tỷ USD.
Vì thế, khi ông Tài cho biết ông sẽ đại tu lại ngành thực phẩm của Việt Nam, lần này mọi người lắng nghe ông.
“Tương lai của ngành tạp hóa là rất rõ ràng”, ông Tài (49 tuổi) mang một chiếc áo thun và nói trong một cuộc phỏng vấn ở Thành phố Hồ Chí Minh. “Đây không phải câu hỏi về việc liệu tôi có thành công hay không. Quan trọng hơn là nó diễn ra trong bao lâu”.
Thành công của ông Tài với tư cách một nhà khởi nghiệp xuất phát từ nỗ lực muốn hiện đại hóa Việt Nam. Đối với các cửa hàng điện thoại di động, ông mở ra chuỗi cửa hàng đầu tiên, nơi khách hàng có thể cảm nhận được sự an toàn về chất lượng và xuất xứ của món hàng. Và trong thế giới mua thực phẩm, ông đang cố thay thị trường chợ truyền thống thành các cửa hàng tạp hóa.
Ông Tài đã mở cửa hàng đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2016, trong đó bán rau xanh, thịt và cá với nhãn hiệu ghi rõ nguồn gốc, và các món hàng thiết yếu khác như mì và nước uống. Trong chợ truyền thống, thực phẩm được bán ở bên ngoài và không phải lúc nào cũng sạch sẽ. Người mua cũng không biết được nguồn gốc và giá cả thì không cố định.
376 cửa hàng
Chuỗi Bachhoaxanh giờ đã có tới 376 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Giấc mơ của chúng tôi là chiếm 10% trong thị trường tạp hóa 60 tỷ USD vào năm 2022”, ông Tài cho biết. Con số này gấp đôi so với doanh thu gần 3 tỷ USD của công ty ông trong năm ngoái.
Dĩ nhiên, trước đó, ông Tài cũng từng đi qua con đường tương tự thế này. 15 năm trước, một cơn bùng nổ điện thoại di động toàn cầu đã bỏ qua Việt Nam, vì các chiếc điện thoại có giá quá “chát”.
“Tại thời điểm đó, chỉ có các vị giám đốc hoặc người giàu có mới có thể mua được một chiếc điện thoại di động”, ông Tài cho hay. “Việc sở hữu một chiếc điện thoại di động dường như là bất khả thi đối với nhiều người và tôi nghĩ chúng tôi cần phải làm điều gì đó để thay đổi chuyện này”.
Vì vậy, trong năm 2003, ông bỏ vị trí giám đốc chiến lược tại một công ty điện thoại để bắt đầu doanh nghiệp của chính ông. Ông đã mở 3 cửa hàng ở hẻm nhỏ tại Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng những cửa hàng này thất bại chỉ sau vài tháng vì những địa điểm của cửa hàng và khả năng chiếm lấy sự tin tưởng của khách hàng, ông Tài cho hay.
Thế giới Di động
Trong năm 2004, ông thử lại một lần nữa, thành lập Thế giới Di động với 4 người bạn của mình. Lần này, ông mở cửa hàng của ông ở những con đường lớn và bán thiết bị với xuất xứ rõ ràng.
Thế giới Di động giờ đã có 1,065 cửa hàng trên khắp Việt Nam và chiếm 45% thị phần điện thoại thông minh và điện thoại di động của quốc gia này tính tới cuối tháng 4/2018. Tại thời điểm cuối năm 2017, có gần 120 triệu hợp đồng điện thoại di động ở Việt Nam, nhiều hơn cả dân số của nước này là 94 triệu người. Doanh số bán điện thoại di động cũng nhảy vọt cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
“Cơ hội đến quá nhanh và thị trường phát triển nhanh hơn tôi tưởng tượng rất nhiều”, ông Tài chia sẻ.
Lớn lên trong nghèo khổ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi mẹ ông là một người bán hàng rong, bán xôi và bánh gạo cuộn. Những ngày tháng cơ cực đó đã thôi thúc ông đặt ra một mục tiêu: Phải có cuộc sống tốt hơn ba mẹ ông từng có.
“Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn”, ông Tài bộc bạch.
Cổ phiếu nhảy vọt
Cổ phiếu MWG đã nhảy vọt hơn 6 lần so với thời điểm niêm yết trong năm 2014. Trong 10 chuyên gia phân tích nói về Thế giới Di động, đã có tới 9 người khuyến nghị “mua”. Thế giới Di động là công ty Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách 50 công ty đại chúng tốt nhất của Forbes trong năm ngoái. “Giờ giấc mơ của tôi là có 10 tỷ USD doanh thu vào năm 2022”, ông Tài nói rõ.
Dĩ nhiên, mọi thứ chẳng hề diễn ra suôn sẻ. Bachhoaxanh chỉ đóng góp 3% trong doanh số của Thế giới Di động trong 4 tháng đầu năm 2018, trong đó các nhà lãnh đạo cũng thừa nhận rằng chuỗi cửa hàng này vẫn trong giai đoạn “thử và sai”. Hoạt động kinh doanh cửa hàng tạp hóa ghi nhận EBITDA âm tới 60 tỷ đồng (tương ứng 2.64 triệu USD) trong quý 1/2018, qua đó buộc công ty phải đóng 3 cửa hàng và hủy bỏ việc mở thêm 7 cửa hàng khác, các phương tiện truyền thông địa phương và các công ty môi giới dẫn lại lời ông Tài nói tại cuộc họp phân tích của Công ty hồi tháng 5/2018. Ngoài ra, Công ty cũng giảm kế hoạch mở thêm cửa hàng mới trong năm nay từ 1,000 cửa hàng xuống còn 500 cửa hàng.
(Theo Vietstock)