Giá gạo bán lẻ một số nơi tại TP.HCM, các tỉnh miền Tây rục rịch tăng. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện phổ biến.

Phải lo giữ giá gạo trong nước - Ảnh 1.

                                                    Gạo trong siêu thị “ê hề”, giá ổn định – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các ngành chức năng hiện diện khắp nơi để kiểm soát. Thực tế về quy mô tăng giá và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp ra sao? Nhiều ý kiến cho rằng việc xuất khẩu gạo cũng cần hài hòa để không tăng áp lực lên giá gạo trong nước.

Không lo thiếu, giá vẫn nhích nhẹ

Theo ghi nhận, hiện gạo bán lẻ (dạng túi 5-10kg) tại nhiều siêu thị tham gia chương trình bình ổn ở TP.HCM đều giữ giá như những tháng trước đó. Nhóm gạo phổ biến như Hương Lài, Thơm Lài, Nàng Thơm Chợ Đào… (thơm – dẻo – mềm) có giá bán 17.000-22.000 đồng/kg tùy loại, gạo tấm 18.000-22.000 đồng/kg tùy loại và tùy nơi bán…

Còn tại một số điểm bán lẻ ở khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp), giá gạo tăng

10-25% so với tháng đầu năm. Gạo tấm các loại giá bán 14.000-20.000 đồng/kg, gạo Nàng Thơm 17.000-27.000 đồng/kg tùy loại…

Theo đại diện một công ty chuyên kinh doanh gạo tại TP.HCM, giá tăng do một số điểm bán lẻ “té nước theo mưa” khi người dân tăng mua gạo do dịch COVID-19. Nhưng hiện tượng này chỉ mang tính thời điểm. Nhìn chung, giá gạo vẫn ổn định nhờ nguồn cung dồi dào.

Tình hình này cũng diễn ra ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ vựa gạo Ngọc Mai ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết sức mua trên địa bàn có tăng, đẩy giá gạo nhích lên 10-15% so với nửa tháng trước. Còn tại Sóc Trăng, anh Lân – chủ một đại lý gạo ở đường Mạc Đĩnh Chi – cho biết sức mua có tăng nhưng giá bán như cũ.

Nhiều hộ mua bán gạo nhỏ lẻ cũng bán cùng loại gạo này, nhưng cao hơn đại lý của anh Lân từ 300-500 đồng/kg. Ông Lý Khoa, chủ doanh nghiệp tư nhân Châu Hưng (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), cho biết lượng gạo tồn khá lớn, chưa kể lúa trên đồng vẫn còn. Các địa phương sản xuất lúa liên tục. Nơi này vừa thu hoạch xong, địa phương khác đã có lúa chín rồi nên không sợ thiếu gạo.

Tăng cường kiểm soát giá gạo

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – khẳng định giá gạo bán ra trong chương trình bình ổn (chủ yếu ở siêu thị, cửa hàng bình ổn) tại TP.HCM thời gian qua không tăng và khả năng thời gian tới giá gạo vẫn ổn nhờ xuất khẩu có kiểm soát.

Trong khi đó, thông tin từ Sở Tài chính TP.HCM cho biết giá bán lẻ gạo của 17 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn năm 2019 đến nay đều ổn định. Theo đó, gạo trắng thường có giá bán lẻ chỉ 11.500-15.500 đồng/kg tùy loại, gạo Jasmine giá 15.500 đồng/kg.

Theo đại diện Sở Tài chính TP.HCM, đầu tháng 4 TP sẽ ban hành kế hoạch giá mới của chương trình bình ổn (áp dụng trong 1 năm), khả năng giá gạo sẽ vẫn giữ ổn định.

Tại Tiền Giang, giá gạo thông thường dù tăng nhẹ nhưng so với cùng kỳ những năm trước vẫn ở mức ngang bằng. Ông Đoàn Văn Phương, giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, đánh giá lượng gạo trong nội địa còn nhiều. Riêng tại Tiền Giang, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo hiện còn trên 46.000 tấn, riêng chợ gạo Bà Đắc còn trên 100.000 tấn.

Ông Phương khuyến cáo “người dân chỉ mua đủ ăn, không cần tích trữ nhiều” và khẳng định sẽ tăng kiểm tra, nếu thấy tăng giá bất thường nhằm trục lợi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

Ông Võ Văn Chiêu, giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, khẳng định trên địa bàn chỉ có vài hộ buôn bán nhỏ lẻ tăng giá gạo.

Còn tại Long An, ông Lê Minh Đức – giám đốc Sở Công thương tỉnh – cho biết các kịch bản xấu nhất đã được tính tới. Như vùng xa có sự cố không thể cung cấp gạo như thường lệ, Công ty Lương thực Long An sẽ cho xe tải chở gạo tới ngay vùng đó cung ứng với giá đúng.

Cần Thơ: còn nửa triệu tấn gạo sẵn sàng

Ông Nguyễn Minh Toại – giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ – cho biết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cơ sở xay xát gạo trên địa bàn TP mỗi đơn vị đều còn lượng hàng trong kho 10.000-30.000 tấn, với tổng lượng hàng khoảng 500.000 tấn gạo trong kho. Trường hợp cần có thể tung ngay ra thị trường 100.000-200.000 tấn gạo.

Tuy nhiên, ông Toại cũng lưu ý có thể nhu cầu mua gạo tăng nhưng chỉ là nhất thời và cục bộ, như người dân khi bình thường mua 5-10kg thì nay mỗi người mua cả trăm ký, còn tổng thể Cần Thơ không lo thiếu gạo thời gian tới.

CHÍ QUỐC

Nên mua gạo giá bình ổn trong siêu thị

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngay từ tháng 2-2020 VFA đã có văn bản gửi các hội viên sẵn sàng tham gia bình ổn, không để thiếu gạo cục bộ.

Ông Vũ Huy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, cho rằng giá gạo trong nước một số nơi tăng 20-30% so với hồi đầu năm là do nhu cầu thế giới tăng và người dân trong nước tăng mua gạo về dự trữ hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Tuy nhiên, do đầu năm 2020 giá lúa gạo ở mức thấp nên giá mới tăng nhanh, chứ so với giá cùng thời điểm của những năm gần đây thì giá hiện không cao đột biến.

Các tháng tới sẽ có lúa gạo vụ hè thu ở cả hai miền Nam – Bắc. Theo ông Hải, so với thời điểm xảy ra sốt gạo trong nước năm 2008 thì thị trường gạo hiện nay đã rất khác: Chính phủ và các địa phương đã có kinh nghiệm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã xây dựng thương hiệu gạo bán nội địa, có hệ thống kho phân bố rộng. Hệ thống bán lẻ hiện đại cũng đã rộng hơn trước nhiều, hàng hóa khó bị dồn ứ một nơi.

Gạo là mặt hàng bình ổn giá, nên muốn điều chỉnh đều phải có ý kiến từ sở tài chính. Do đó, nếu bên ngoài giá gạo tăng, người dân có thể mua với giá bình ổn trong các siêu thị.

Trần Mạnh

 

Theo https://tuoitre.vn/