Từ quan điểm thượng tôn pháp luật, có thể nêu một số nhận xét sau:

Kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia nào thì cần tuân thủ các quy định và luật pháp tại quốc gia đó. Đối với đồng tiền thanh toán, quan điểm chính thức của Ngân hàng Nhà nước trước sau như một: tiền đồng (VNĐ) là đơn vị đơn vị tiền tệ duy nhất được phép sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Các loại ngoại tệ mạnh khác như Đô-la Mỹ hay vàng cũng đều phải quy đổi trước khi sử dụng.

Các thương nhân kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được niêm yết giá bằng tiền VNĐ chứ không được niêm yết ngoại tệ nếu không sẽ bị phạt rất nặng.

Về “tiền ảo” bietcoin thì gần đây NHNN là cơ quan điều hành cao nhất về tiền tệ cũng đã phát đi thông báo không thừa nhận giá trị pháp lý của đồng tiền này, và cảnh báo các rủi ro nguy cơ về pháp lý cho những người liên quan.

Từ những luận điểm trên có thể rút ra kết luận là bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào (kể cả thương mại truyền thống lẫn thương mại điện tử) sẽ gặp rủi ro rất lớn về cả pháp luật lẫn kinh tế nếu cố tình chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.

Từ góc nhìn chuyên môn cá nhân, có thể nhận thấy:

Bitcoin là một loại tiền ảo được thiết kế mô phỏng theo nguyên lý của vàng, tức là chỉ có một số lượng hữu hạn lúc khai thiên lập địa, tổng số lượng trong vòng đời sẽ không đổi, việc trao đổi hoàn toàn vô danh (danh tính của người mua/bán không bị ghi ghép lại, cũng giống như tiền mặt hoặc kim loại quý) theo phương pháp giao dịch trực tiếp với nhau hoặc qua các sàn giao dịch trung gian, không một ngân hàng trung ương nào có thể tự tạo ra vàng nếu không khai thác thêm được từ thiên nhiên.

Giống như vàng, ai “đào” hay khai thác được nhiều vàng thì sẽ giàu có. Nguyên lý đó được áp dụng tương tự: “chuyên gia phần mềm” nào huy động được nhiều máy tính để đào bitcoin thì trở nên giàu có vì có thể mua sắm tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng đồng bitcoin.

Đối với người ngoại đạo không hiểu sâu về các vấn đề công nghệ thông tin phức tạp đằng sau việc “đào” bitcoin thì có một nghi vấn như thế này: Vàng thì ai cũng chắc chắc là minh bạch, khối lượng trên Trái đất là hữu hạn, không thể có nhà “giả kim thuật” nào tự tạo ra vàng được (và trong tương lai nếu điều đó xảy ra thì chắc chắn vàng sẽ mất giá rất nhanh).

Tuy nhiên với bitcoin thì lại khác. Bitcoin do con người “sáng tác” ra, người cha đó lại hoàn toàn ẩn danh. Mặc dù có nhiều bài viết chuyên môn sâu về kỹ thuật chứng minh tính không thể can thiệp hay tác động được vào thuật toán của bitcoin nhưng một khi đã là sản phẩm của kỹ thuật công nghệ thì không ai dám chắc 100% là thứ đó không thể bị hack hoặc bị điều khiển tác động bởi một “cửa hậu” (back-door) nào đó.

Nếu điều đó xảy ra thì sẽ xảy ra tình trạng lạm phát: người nắm quyền tác động sẽ giàu lên rất nhanh, đồng bitcoin mất giá hoặc thậm chí trở thành “giấy lộn”, những người dân hoặc doanh nhân đã trót sở hữu bitcoin từ việc bán các tài sản, công sức, mồ hôi nước mắt… của mình sẽ trở nên trắng tay!

Do đó, quan điểm cá nhân của tôi về bitcoin là trung lập: không phản đối, không ủng hộ, cá nhân tôi thì không chơi. Tuy nhiên có lời nhắn gửi đến những người quan tâm là: giống như chơi chứng khoán, hãy chỉ nên tham gia nếu bạn thực sự hiểu biết và tin tưởng, đừng nên nhắm mắt đầu tư theo phong trào. Ngoài ra chứng khoán còn được nhà nước bảo hộ quyền lợi, nhưng với bitcoin thì sự ủng hộ của các chính phủ trên thế giới là rất khó nói do những e ngại về tính minh bạch và khả năng lạm dụng cho các mục đích xấu (rửa tiền, khủng bố…).

Nói rộng trên phạm vi thế giới thì tôi không dám có bình luận mặc dù đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng tiền ảo này đang gánh chịu nhiều thông tin tiêu cực. Nói riêng tại Việt Nam thì ít có khả năng đồng tiền này sẽ là một xu hướng trong lĩnh vực thanh toán điện tử, lý do quan trọng đầu tiên là sự không chấp nhận từ Ngân hàng Nhà nước./.

VECOM.