Định vị lại nhận diện thương hiệu, đại gia bán lẻ Thái Lan Central Retail công bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thêm 1,1 tỉ USD tại Việt Nam.
Lối vào Big C Thảo Điền (quận 2, TP HCM) đã đổi tên thành Tops Market. Ảnh: Central Retail.
Chiều ngày 2.4, Central Retail Corporation Public Company Limited (CRC) công bố tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, và chính thức công bố kế hoạch 5 năm tại Việt Nam có tổng giá trị đầu tư khoảng 35 tỉ Bath (1,1 tỉ USD) với mục tiêu mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành trên toàn quốc.
Cơ sở cho kế hoạch đầu tư vốn lớn sắp tới, theo lý giải của tập đoàn bán lẻ Thái Lan này, là ngành dịch vụ tại Việt Nam trong quí I tiếp tục tăng trưởng 2,34%, đứng đầu là ngành bán sỉ và bán lẻ với 7% tăng trưởng so với cùng kỳ trong quí IV năm 2020, đóng góp 33,5% vào nền kinh tế. Và ngành dịch vụ cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới.
Ông Philippe Broianigo, CEO của Central Retail tại Việt Nam, chia sẻ kế hoạch 5 năm của tập đoàn đến từ xứ chùa vàng này là sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng để gia tăng sự hiện diện từ thành thị đến nông thôn, xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng; phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh.
Trong năm 2020, Central Retail đã mở mới 4 trung tâm thương mại GO! Ảnh: TL. |
Trong năm 2020, Central Retail đã mở mới 4 trung tâm thương mại GO! tại Trà Vinh, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột và Bến Tre; tái định vị thương hiệu Big C thành GO! tại 5 chi nhánh, mở mới 1 siêu thị mini go! ở Tam Kỳ Quảng Nam để phục vụ người dùng ở những khu vực ngoại ô.
Năm 2021, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh phát triển mở rộng với tổng giá trị đầu tư khoảng 6,6 tỉ Bath (211 triệu đô la), dự định mở mới 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị mini go! ở Tây Ninh.
Bên cạnh đó, Central Retail sẽ tiến hành chuyển đổi 8 đại siêu thị Big C thành đại siêu thị GO! và chuyển đổi 7 siêu thị Big C thành siêu thị Tops Markets. Tập đoàn sẽ tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh với mảng phi thực phẩm.
Bên cạnh việc phát triển mở rộng tại Việt Nam, nhà bán lẻ Thái Lan này cũng sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc phát triển nền tảng đa kênh bao gồm các kênh bán hàng trực tuyến như Nguyenkim.com, Supersports.com.vn; xây dựng các cửa hàng thương mại điện tử trên Lazada, Shopee và Tiki; hợp tác với các ứng dụng đặt hàng Grab, Chopp, Now.vn và Beamin; phát triển thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội (Social commerce) như Zalo cũng như bán hàng qua hotline và dịch vụ “Click and Drive”.
Cuối năm 2020, doanh số từ các nền tảng đa kênh của Big C đóng góp 5% doanh thu mặc dù hồi đầu năm ghi nhận 0%, con số này tại Nguyễn Kim là 8%. Với 37 trung tâm thương mại và 230 cửa hàng với tổng diện tích 1 triệu m2 trải dài trên 39 tỉnh thành, Central Retail tại Việt Nam phục vụ trung bình 175.000 khách hàng mỗi ngày.
Cần nhắc lại, để có số lượng trung tâm thương mại và cửa hàng nhiều như trên là phần lớn Central Retail đã thực hiện chiến lược thâu tóm, góp vốn vào chuỗi kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là chuỗi bán lẻ 33 siêu thị Big C tại Việt Nam của tập đoàn Casino (Pháp) cách đây hơn 5 năm, Central Group đã phải “đấu” với hàng chục nhà bán lẻ lớn khác ở trong nước và trên thế giới với số tiền mua lại lên đến hơn 1 tỉ USD.
Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi xảy ra COVID-19 luôn có mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể từ năm 2019 trở về trước, thị trường tăng trưởng trên 10%/năm. Đáng chú ý, năm 2020 dù bị ảnh hưởng của đại dịch nhưng thị trường vẫn đạt doanh số kỷ lục hơn 172 tỉ đô la, tăng 6,8% so với năm 2019, tức tăng thêm hơn 11 tỉ đô la. Và nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỉ đô la được xem là rất tiềm năng cho các nhà bán lẻ trên thế giới.
Minh Anh (nhipcaudautu)