Sau khi thay đổi nhà đầu tư, các siêu thị trước đây hiện giống cửa hàng tiện lợi diện tích lớn.
Ảnh minh họa.
Với mức sống cao hơn từng ngày, người dân thành phố chọn kênh mua sắm qua siêu thị nhiều hơn, bởi sự tiện nghi, không gian rộng, mát mẻ. Tuy nhiên, với người tiêu dùng hiện nay thì đến siêu thị giống như đi chợ, chỉ khác là siêu thị có máy lạnh và niêm yết giá trên từng sản phẩm hàng hóa.
Thực tế cho thấy, sau hai năm (2016 – 2017) đầy biến động, chuyển đổi, với ồ ạt các thương vụ mua bán sáp nhập thì hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đến nay đã có sự thay đổi lớn, khiến không ít người tiêu dùng thấy hụt hẫng. Cuộc cạnh tranh của các siêu thị hiện nay dường như là ở tầm vĩ mô của những nhà đầu tư, chứ không phải cạnh tranh thương hiệu, tạo dấu ấn độc đáo mới lạ với người tiêu dùng.
Cụ thể, trước đây hệ thống siêu thị Maximark luôn có riêng quầy hàng gia dụng, mỹ nghệ nhập khẩu theo từng quốc gia (hàng thủy tinh gia dụng châu Âu, đồ dùng nhà bếp Nhật Bản, sản phẩm nhựa gia dụng nhập khẩu Thái Lan…) rất ấn tượng. Siêu thị Citimart thì có quầy hàng gia vị khô, thực phẩm đóng hộp, đóng gói nhập khẩu cũng rất được ưa chuộng.
Siêu thị Big C khai thác lợi thế thực phẩm Pháp với hàng trăm loại phô mai, thịt hộp, đồ nguội… nhập khẩu trực tiếp từ Pháp dù mới lạ nhưng cũng là nét độc đáo riêng có tại thị trường TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Các sản phẩm này chất lượng cao, mẫu mã riêng biệt, rất được ưa chuộng, tất nhiên giá bán khá cao.
Đến nay, những lợi thế này đã biến mất khỏi siêu thị khi thay đổi nhà đầu tư. Hiện nay, siêu thị Marximark đã đổi chủ, trở thành siêu thị Vincom, về quy mô diện tích, số lượng và sự đa dạng hàng hóa vẫn tương đương, song không thể tìm thấy tại đây những sản phẩm độc đáo riêng có. Siêu thị Big C trở thành siêu thị của người Thái, không còn khu vực thực phẩm nhập khẩu của Pháp, nhưng cũng không có dấu ấn hàng Thái Lan “xịn” như người tiêu dùng Việt kỳ vọng.
Siêu thị Citimart với việc Tập đoàn Aeon Nhật Bản đã sở hữu 49%, trở thành AEON Citimart, thì mất hẳn nhóm hàng thế mạnh độc đáo trước đây, hiện chỉ thu hút khách nhờ vào một số loại thực phẩm đặc trưng Nhật Bản mà người tiêu dùng Việt từng biết, như mì sợi Udon, rượu Sake, thịt bò Kobe đông lạnh và nhóm hàng gia dụng mới. Dù có nét riêng nhưng không thể hấp dẫn như cũ.
Theo ông Võ Văn Quyền, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016 – 2017 thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút hàng loạt các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… mang lại cho thị trường bán lẻ Việt Nam những sắc màu như mới. Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh (đến năm 2020 sẽ có 33 triệu người).
Tỷ lệ chi tiêu tăng do người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn để có chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao cấp. Đây cũng chính là nền tảng, để nhà đầu tư ngoại tiến sâu và dài hơn tại thị trường Việt Nam, thông qua đầu tư siêu thị-một con đường lớn để hàng hóa của họ tiếp cận đến tay người dân Việt Nam.
Những nhà đầu tư bán lẻ ngoại đều là các tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, nên họ đồng thời cũng chuyển hàng hóa sang Việt Nam. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng Việt thấy mất đi hình ảnh độc đáo của siêu thị hiện nay. Bởi trước đây siêu thị là của DN Việt, họ cạnh tranh bằng ưu điểm riêng, còn nay nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính lớn, kinh doanh số nhiều, không độc, lạ vẫn chiếm ưu thế.
Theo Thời báo Ngân hàng