Chiều ngày 09 tháng 10, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) phối hợp với các hội viên Công ty OSB và Công ty dịch thuật toàn cầu Expertrans tổ chức giao lưu với các doanh nghiệp xuất khẩu với chủ đề: “Thương mại điện tử – con đường mới cho xuất khẩu”.
Với chủ đề này, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất kinh doanh thương mại điện tử đã được đại diện của Alibaba, Expertrans giới thiệu khá chi tiết các công cụ và giải pháp thông qua sàn giao dịch của Alibaba hay việc tạo dựng các website đa ngôn ngữ trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài.
Theo ông Phan Đức Tâm – Lãnh đạo Expertrans, thì hiệu quả kinh doanh đạt được lợi nhuận tối đa khi các doanh nghiệp sử dụng website phiên bản đa ngôn ngữ. Ông Tâm cho rằng: “Khả năng quyết định mua hàng có thể tăng gấp 4 lần nếu khách hàng được tham khảo sản phẩm trên 1 website sử dụng ngôn ngữ bản địa của họ. 37% khách hàng sẽ tiếp tục xem các bài viết liên quan trên website nước ngoài nếu nó sử dụng ngôn ngữ bản địa của họ”.
Bảng khảo sát, vì sao bạn mua hàng từ website nước ngoài
Expertrans cũng đưa ra một số lý do, tại sao sao nên có website đa ngôn ngữ rằng, trong bối cảnh mà thế giới đang thay đổi, xu hướng mua hàng online hiện đã chiếm ưu thế trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Đáng chú ý là xu thế số hóa tòa cầu càng rút ngắn thời gian, khoảng cảnh trong giao dịch mua bán, vì thế, việc sử dụng đa ngôn ngữ sẽ là công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, ít tốn thời gian song vẫn có thể đưa hàng hóa của mình tiếp cận được với nhiều khu vực trên thế giới.
Cũng theo dự báo của Expertrans, thì tương lai của ngành thương mại phụ thuộc phần lớn vào 3 đặc tính như: tính cộng đồng, tính bản địa và tính di động. Trên thực tế, với nhịp sống nhanh và nhu cầu sử dụng các tiện ích để có thể mua hàng hóa, sản phẩm đã giúp nhiều doanh nghiệp, shop online kiếm bộn tiền nhờ ứng dụng hiệu quả các tiện ích từ website, mạng xã hội, đặc biệt là các website có sử dụng đa ngôn ngữ.
Alibaba cũng là mô hình thành công khi sàn giao dịch của hãng này sử dụng ứng dụng đa ngôn ngữ. Chính lợi thế này mà Alibaba đã tiếp cận được với hầu khắp các thị trường ở nhiều châu lục, và thực sự trở thành doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô toàn cầu. Theo ông Trần Đình Toản – Giám đốc Công ty OSB, đại lý ủy quyền duy nhất của Alibaba tại Việt Nam chia sẻ: “Alibaba.com hiện có 43,8 triệu thành viên trên toàn cầu, trong đó có tới 90% là các nhà nhập khẩu, có hơn 40 ngành hàng và xấp xỉ 6 nghìn danh mục sản phẩm”.
Đáng chú ý là Alibaba hiện đang có rất nhiều công cụ bên cạnh việc tích hợp đa ngôn ngữ như: Trade Manager, Biz Trend… các công cụ này đang giúp cho nhiều nhà cung cấp có thể tìm kiếm thêm nhiều khách hàng. Ông Đặng Quang Vũ – Giám đốc xuất nhập khẩu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng: “Alibaba không chỉ là kênh bán hàng hiệu quả giúp cho các nhà cung cấp tiếp cận với nhiều khách hàng trên toàn thế giới mà còn là nơi giúp cho thương hiệu và uy tín của Hapro vươn xa hơn đến các khách hàng ở mọi nơi”.
Phát biểu tại buổi giao lưu này, ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho rằng: “Xu thế số hóa và sự tích hợp nhiều tính năng mới trong Thương mại điện tử thực sự đã giúp nhiều doanh nghiệp thành công, ngoại trừ Alibaba, nhiều doanh nghiệp nhỏ khi nắm bắt tốt xu thế, nhất là việc sử dụng các site đa ngôn ngữ thực sự mang lại nhiều lợi ích. Các buổi giao lưu như thế này cũng là cơ hội giúp các thành viên của Vecom có thêm thông tin hữu ích, qua đó có những bước đi phù hợp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh”.