Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài vì tiềm năng phát triển tại thị trường có số dân hơn 90 triệu người. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển thì các doanh nghiệp phải vượt qua nhiều sự thách thức.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh nhờ vào sự phát triển ấn tượng của Internet và số người sử dụng điện thoại thông minh. Tuyên Quang

Trong năm 2017, có 21 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam nhận được vốn đầu tư của nước ngoài và vốn dành cho các doanh nghiệp thương mại điện tử chiếm tỷ lệ cao nhất. Không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư trong nước “đổ” vào lĩnh vực này cũng khá nhiều trong năm qua và giới chuyên gia giải thích rằng đây là lĩnh vực mới phát triển nên còn rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác.

 

Không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài

 

Theo bản báo cáo Vietnam Startup Deal 2017 do Topica Fouder Institute thực hiện, trong năm ngoái có 92 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam tìm được vốn đầu tư với tổng số tiền đạt 291 triệu đô la Mỹ. Trong đó có 21 thương vụ đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử với tổng vốn 83 triệu đô la, cao nhất trong các lĩnh vực có vốn đầu tư. Các lĩnh vực kế tiếp là công nghệ tài chính ngân hàng và công nghệ thực phẩm.

 

Được biết, vào cuối năm 2017, Tập đoàn JD.com – nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc – đã trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Tiki khi góp vốn đầu tư vào công ty trong nước này. Mặc dù Tiki chia sẻ với báo giới trong nước về thương vụ này nhưng doanh nghiệp không cho biết cụ thể tổng số vốn đầu tư của JD.com. Theo thông tin được một số tờ báo nước ngoài đăng tải, JD.com có kế hoạch đầu tư vào Tiki với tổng số vốn lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Vào giữa năm ngoái, nhiều báo quốc tế đã đưa tin về việc SEA (Garena) của Singapore mua 82% số cổ phần của Foody.vn. Tin tức về SEA thâu tóm Foody được tiết lộ chỉ vài tháng sau khi SEA, thông qua công ty con Shoppee, đã thâu tóm Giao hàng tiết kiệm…

 

Không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngành thương mại điện tử Việt Nam còn thu hút sự quan tâm và nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước. Sau khi tham gia vào thị trường dịch vụ chuyển vận hàng hóa nhiều năm, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bước vào thương mại điện tử bằng việc khai trương sàn giao dịch badasa.com.vn trong năm 2017 qua. Vietnam Post muốn đưa sàn thương mại điện tử này vào hoạt động nhằm gắn kết các nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm đặc sản thuộc nhiều ngành với khách hàng trên mọi vùng miền tổ quốc. Trên sàn này, người mua và người bán sẽ giao dịch trực tiếp, còn Vietnam Post sẽ thực hiện dịch vụ chuyển hàng và thu tiền trên toàn quốc nhờ tận dụng hệ thống phương tiện vận chuyển gồm sáu toa tàu được sử dụng trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, 1.500 chiếc ô tô chuyên ngành mà tổng công ty hiện có.

 

Vietnam Post là một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm vài chục năm về chuyển phát nhưng lại là “lính mới” trong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tổng công ty đã nhận ra cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này sau khi tham gia chuyển hàng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Nhận xét về sự thay đổi này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng việc Vietnam Post vận hành sàn thương mại điện tử là một bước đi nhanh nhạy của doanh nghiệp này nhằm bắt kịp với xu hướng thương mại đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Còn ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vietnam Post, cho biết do đã tham gia lĩnh vực bưu chính từ vài chục năm nay nên tổng công ty có những lợi thế về dịch vụ chuyển phát, thanh toán, thu tiền, cùng lực lượng lao động đông đảo có mặt tại khắp thôn bản. Đây là một trong những lý do chính khiến doanh nghiệp này muốn mở sàn thương mại điện tử để làm cầu nối cho người có sản phẩm đặc sản tại tất cả các vùng miền với người tiêu dùng trên cả nước.

 

Trong các nguồn vốn đầu tư trong nước dành cho thương mại điện tử, có lẽ nguồn vốn đầu tư từ tập đoàn VinGroup là lớn nhất. Mặc dù tập đoàn này không tiết lộ khoản đầu tư cho mảng kinh doanh thương mại điện tử của mình nhưng giới chuyên gia ước tính con số này có thể lên đến vài trăm tỉ đồng. Bởi, để chuẩn bị cho việc bước chân vào thương mại điện tử, Vingroup đã mua lại công ty chuyển phát tư nhân lớn nhất là Hợp Nhất nhằm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa cho khách mua hàng trên website thương mại điện tử Adayroi.vn.

 

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử, sở dĩ đây là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước là vì tốc độ phát triển của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam hiện khá cao. Theo bản báo cáo “Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh” do Kantar Worldpanel thực hiện và công bố vào cuối năm vừa qua, Việt Nam đứng vào danh sách 10 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất toàn cầu. Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan và Malaysia. Thái Lan dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng với 104%, theo sau là Malaysia 88% và Việt Nam 69%. Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), hiện mức tăng trưởng chung của ngành thương mại điện tử toàn cầu là khoảng 24%.

 

Kantar Worldpanel nhận xét tại Việt Nam, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển ấn tượng của Internet và sự gia tăng nhanh về số lượng người sử dụng điện thoại thông minh, cùng với đó là sự đầu tư mạnh tay của các công ty lớn trong ngành bán lẻ. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% và giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống. Kantar Worldpanel cho rằng mặc dù quy mô thị trường này ở Việt Nam còn nhỏ so với các hình thức khác, nhưng lại có tiềm năng rất lớn nhờ vào sự tăng trưởng về giá trị của ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử đã đạt con số 69%. Theo eMarketer, tổng doanh thu thương mại điện tử trên doanh thu bán lẻ toàn cầu đạt 10%.

 

Theo tập đoàn thống kê về Internet Statista, Mỹ có gần 200 triệu người tham gia mua hàng trực tuyến, đạt tổng doanh thu thương mại điện tử hơn 322 tỉ đô la và giá trị mua hàng trung bình của một người đạt khoảng 1.630 đô la trong năm 2016. Trong năm này, Trung Quốc ghi nhận doanh thu này đạt hơn 376 tỉ đô la, có hơn 530 triệu người mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm trung bình của một người đạt hơn 710 đô la.

Thị trường còn nhỏ

 

Còn theo bản báo cáo Thương mại điện tử 2017 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số của Bộ Công thương phát hành, mặc dù là quốc gia đông dân nhưng doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỉ đô la, tăng 23% so với năm trước và chiếm khoảng 3% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên cả nước. Giá trị đơn hàng của mỗi người mua hàng trực tuyến Việt Nam mới đạt trung bình 170 đô la.

 

Theo các chuyên gia, nếu so sánh về quy mô dân số, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam với cùng thị trường của Mỹ, Trung Quốc… sẽ thấy thị trường của Việt Nam còn nhỏ và còn rất tiềm năng. Đây chính là lý do mà ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ vào ngành này ở Việt Nam để chờ cơ hội kiếm tiền trong tương lai. Tất nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam không phải là chiếc bánh ngọt và là lĩnh vực mà nhà đầu tư cứ đổ tiền vào là thu được lợi nhuận. Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều nhưng cũng đã có không ít doanh nghiệp phải rời bỏ “cuộc chơi” sau một thời gian đầu tư. Chẳng hạn như tập đoàn VNG đã bán trang web 123mua.vn cho FPT, sau một thời gian đầu tư; công ty quảng cáo trực tuyến 24h đã quyết định “khai tử” Deca.vn do hoạt động không có hiệu quả; Lingo cũng phải đóng cửa vì không còn vốn đầu tư; Lazada đã phải bán lại cho Alibaba… Điều này cho thấy thương mại điện tử là một sân chơi đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có nhiều tiềm lực tài chính và thành quả không đến trong ngày một ngày hai.

 

Tham gia vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam ở giai đoạn đầu (2004), ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, cho biết hiện nay đơn vị này chỉ duy trì trang web ChợĐiệnTử.vn và dừng đầu tư cho ebay.vn – là sàn thương mại điện tử mà trước đây được NextTech hợp tác với ebay.com phát triển. Nhưng hiện nay mọi chuyện đã khác vì Ebay tại Đông Nam Á không đầu tư thêm tiền vào trang web nói trên. Ông Bình nói thêm rằng gần đây nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính trong và ngoài nước đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử và họ chấp nhận đầu tư chịu lỗ lớn với mục đích thu hút được nhiều khách hàng, chiếm mức thị phần lớn. Chính điều này khiến cho sự cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử trở nên khốc liệt và nhiều doanh nghiệp không còn tiền tiếp tục đầu tư nên phải rời thị trường trong vài năm qua.

 

Theo ông Bình, hiện doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trên thị trường thương mại điện tử là những doanh nghiệp chấp nhận lỗ lớn và không phải tất cả những doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường hiện nay có thể tồn tại đến cuối cuộc chơi. Bởi vì trong những năm trước đây có những doanh nghiệp đã đầu tư rất mạnh trong thời gian 1-2 năm nhưng sau đó đã phải đóng cửa. Thực tế này cho thấy không thể nói trước được điều gì, kể cả với những doanh nghiệp mạnh nhất hiện nay. Đây là cuộc chơi của những đối thủ có tiềm lực tài chính và là cuộc đua đường dài.

 

(Theo TBKTSG)