VinaCapital vừa đầu tư 32,5 triệu đô la Mỹ vào Ba Huân; Kido có kế hoạch hợp tác với đối tác Thái Lan sản xuất trà sữa đóng chai, nước uống thảo dược; nhà bán lẻ Hàn Quốc GS 25 thì mở chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/7 với sự tự tin sẽ thu hút được người tiêu dùng nhờ thức ăn tươi (fresh food)..
Nhờ vào sự tiện lợi (về cả điểm bán lẫn cách sử dụng), giá cả hợp lý, các sản phẩm thực phẩm tươi đang ngày càng chinh phục người tiêu dùng. Ảnh: Minh Tâm
Những chộn rộn trên thị trường thực phẩm tươi tiện lợi kể trên cho thấy cuộc đua của các nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ đến tủ lạnh của các gia đình ngày càng nóng.
Đủ món cho tủ lạnh của người bận rộn
Thực ra, trước khi VinaCapital đầu tư hơn 760 tỉ đồng vào Công ty cổ phần Ba Huân với đánh giá rất cao tiềm năng của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, một đối thủ của Ba Huân ở mảng trứng gia cầm là Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm trứng ăn liền gồm trứng muối, trứng gà ác tiềm, trứng vịt kho, trứng cút phá lấu… Các sản phẩm này có thể sử dụng được ngay sau khi bóc bao bì. Vĩnh Thành Đạt hiện là doanh nghiệp duy nhất sản xuất dòng sản phẩm này trên thị trường và đang thu hút được khách hàng nhờ sự tiện lợi cùng giá cả khá hợp lý.
Bản thân Ba Huân cũng đã tham gia vào thị trường thực phẩm chế biến, không còn dừng lại ở mặt hàng trứng gia cầm tươi, ngành kinh doanh cốt lõi làm nên tên tuổi của mình. Danh mục sản phẩm của Ba Huân hiện nay có thêm thịt gà tươi, xúc xích, gà viên, chân gà chua cay hay bánh flan, được phân phối ở các hệ thống siêu thị. Doanh nghiệp này đang theo đuổi mô hình thực phẩm an toàn, khép kín từ trang trại đến bàn ăn và vừa đón nhận vốn đầu tư lớn từ VinaCapital nên được cho rằng danh mục sản phẩm sẽ ngày càng mở rộng, trong đó có các sản phẩm chế biến phục vụ người tiêu dùng bận rộn.
Trước Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt khá lâu, năm 2012, Công ty cổ phần Sài Gòn Food, doanh nghiệp đã thành danh trên thị trường với dòng sản phẩm hải sản chế biến (như lẩu, chả giò), rau củ đông lạnh…, đã tiên phong ra thị trường mặt hàng cháo tươi: gạo được nấu cùng các loại thực phẩm kèm theo trong túi tráng nhôm đa lớp, có thể sử dụng ngay và có thời hạn sử dụng trong sáu tháng. Hiện tại, sản phẩm này của Sài Gòn Food cạnh tranh với cháo tươi của Sài Gòn Co.op (do Sài Gòn Food gia công – hàng nhãn riêng) hay hàng nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao hơn khá nhiều.
Năm 2017, Sài Gòn Food hợp tác cùng chuỗi 7-Eleven khi thương hiệu này tham gia thị trường Việt Nam, cung cấp các phần ăn tiện lợi, được gọi là “bữa ăn tươi” như cơm văn phòng, cơm Bento, cơm cuộn, cơm chiên, xôi mặn, gỏi cuốn, bắp xào… Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food, trong cuộc trao đổi mới đây với Thời báo Kinh tế Sài Gòn khẳng định bữa ăn tươi sẽ là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp này trong thời gian tới dù lẩu hải sản, cháo tươi vẫn đang đóng góp doanh thu lớn nhất. Bởi lẽ, tiềm năng thị trường còn rất lớn, nhất là khi vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng được quan tâm. Sài Gòn Food còn kỳ vọng đưa bữa ăn tươi vào những nơi như bệnh viện, trường học… bên cạnh cửa hàng tiện lợi để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Vài câu chuyện kể trên cho thấy các nhà sản xuất đang nỗ lực khai thác khách hàng bận rộn. Khách hàng có thể mua cơm, cháo hay những món ăn khác để sử dụng ngay cho bữa trưa văn phòng vốn có ít ỏi thời gian. Họ còn có thể mua mang về nhà, bỏ vào tủ lạnh để sử dụng cho những ngày không muốn vào bếp. Nhờ vào sự tiện lợi (về cả điểm bán lẫn cách sử dụng), giá cả hợp lý, các sản phẩm dạng này đang ngày càng chinh phục người tiêu dùng và tất nhiên đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Đây chính là lý do khiến cuộc đua ngày càng gay cấn giữa các nhà sản xuất và cả những nhà bán lẻ (thông qua hình thức làm hàng nhãn riêng). Bằng chứng là “tay đua” liên tục xuất hiện, từ gia nhập thị trường bằng một sản phẩm mới đến mua lại các doanh nghiệp đã có tên tuổi.
Không chỉ các nhà sản xuất chuyên nghiệp vào cuộc, các bếp gia đình như Bếp Của Phước, Bếp Bà Chà, Bếp Cơm Chiều Ngon… cũng đang thu hút được một lượng lớn các chị em văn phòng ít thời gian nhưng vẫn muốn có đồ ăn như nhà làm. Các sản phẩm xuất phát từ các bếp dạng này có lợi thế là nguyên liệu tươi (xuất phát từ một vùng biển nào đó với cá được đánh bắt trong ngày hay từ một vài khu vườn nho nhỏ…); nguồn gốc rõ ràng, được nấu thủ công với bí quyết riêng, không sử dụng các chất bảo quản hay phụ gia…, đánh vào tâm lý sợ hàng công nghiệp nhiều tai tiếng, ưa thích hàng “handmade” (làm thủ công) của các bà nội trợ trẻ. Phương thức mua bán theo đó cũng khá đơn giản, khách hàng có thể tự yêu cầu hoặc chọn trong số những gì bếp có sẵn đăng tải trên trang Facebook, chờ một vài ngày để có hàng giao tận nhà. Vì làm thủ công, nguồn nguyên liệu hạn chế, lại thêm phí vận chuyển nên giá các sản phẩm cao hơn hẳn và cũng không thể muốn là có ngay lập tức.
Cơ hội cho nhà sản xuất
Giữa tháng 1 vừa qua, sau bốn tháng lập liên doanh với tập đoàn Sơn Kim, nhà bán lẻ Hàn Quốc GS Retail đã chính thức đưa vào vận hành mô hình cửa hàng tiện lợi 24/7 (convenience store – CVS) thương hiệu GS25. Ông Jun Ju Young, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH GS25 Việt Nam nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng ông rất tự tin GS25 sẽ phát triển nhanh ở Việt Nam nhờ điểm khác biệt là các sản phẩm ẩm thực tiện lợi (fresh food) vốn rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc. Tập đoàn GS Retail đã đầu tư một nhà máy sản xuất tại Long An để cung cấp các sản phẩm kể trên cho chuỗi cửa hàng GS25 tại Việt Nam.
Đánh giá về chiến lược của người chơi mới trên thị trường cửa hàng tiện lợi 24/7 kể trên, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ quốc tế, cho rằng đây là một kế hoạch khôn ngoan của GS Retail, không chỉ ở việc khai thác niềm yêu thích văn hóa Hàn Quốc của nhiều người tiêu dùng trẻ ở Việt Nam mà còn ở sản phẩm rất đúng xu hướng. Các sản phẩm tươi chế biến sẵn là một xu hướng tại Việt Nam khi cuộc sống đô thị hóa ngày càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng bận rộn. “Hôm nay, các sản phẩm thực phẩm tươi có thể chỉ mới phổ biến trong các chuỗi CVS nhưng tương lai sẽ là khắp nơi, từ siêu thị đến trường học, bệnh viện… Vì người ta ngày càng bận rộn hơn”, bà Vân nói.
Cũng theo bà Vân, nếu nhìn vào danh mục sản phẩm thực phẩm tươi tiện lợi mà các chuỗi CVS tại Việt Nam đang bán thì vẫn chưa là gì so với các nước lân cận. Chẳng hạn, 7-Eleven Thái Lan mà đứng sau vận hành là tập đoàn CP đã có ít nhất 30 sản phẩm tươi tiện lợi phục vụ khách hàng ngày đêm, từ cháo tươi, cơm kẹp đủ loại nhân mà người Thái thường ăn đến các loại bánh. Nói như vậy để thấy cơ hội cho các nhà sản xuất tìm ra những sản phẩm tiện lợi và phù hợp với thói quen, văn hóa của người tiêu dùng để tham gia chuỗi cung ứng của các chuỗi CVS tại Việt Nam là còn rất lớn. Quan trọng hơn là phải “nhanh tay, nhanh mắt” trước khi các doanh nghiệp nước ngoài giành mất thị trường.
Trong cuộc đua này, theo bà Vân, những bếp gia đình cũng có cơ hội rất lớn bởi sẽ có không ít khách hàng tìm về những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống, thủ công khi cuộc sống càng hiện đại. Và muốn phát triển được thì các căn bếp dạng này phải có được các món ăn bản sắc, chuẩn hóa được quy trình vận hành.
Dù là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hay các bếp gia đình, theo bà Vân, điều quan trọng nhất là các sản phẩm phải mang được đặc trưng bản địa, từ nguyên liệu chế biến đến hương vị. Bởi lẽ, người tiêu dùng ngày nay rất quan tâm đến tính bản địa, tính truyền thống. “Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển các sản phẩm ẩm thực Việt Nam”, bà Vân nói.
Thực phẩm tươi tiện lợi là gì? Có lẽ sẽ chưa có một định nghĩa chuẩn xác trên thị trường nhưng có thể hiểu đó là các phần ăn đã được chế biến sẵn với đủ các thành phần từ tinh bột, đạm động vật đến rau xanh, có hạn sử dụng nhiều hơn một ngày khi bảo quản trong tủ lạnh để người mua chỉ cần hâm nóng trong lò vi sóng là sử dụng được (ví dụ như các suất cơm, mì, bánh mì sandwich… thường thấy ở các cửa hàng tiện lợi 24/7), hay các loại thực phẩm, đồ uống đã chế biến sẵn, chỉ cần bóc gói là sử dụng (chẳng hạn như trứng kho, cháo… hay cà phê lon, trà sữa chai). Những sản phẩm này khác với các sản phẩm kiểu mì, cháo, phở, bún, hủ tiếu đóng gói ăn liền có hạn chế là thiếu các thành phần về đạm, rau, hay các loại bánh bao, chả giò đông lạnh mà người dùng cần thêm nhiều thời gian để nấu chín.
Minh Tâm (Theo TBKTSG)