Đưa sản phẩm vào Wal-Mart không được nhiều lợi nhuận, nhưng đổi lại có thể mở được cánh cửa bước vào thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác.
Sau 4 lần kiểm định chất lượng, Wal-Mart đã đón nhận những lô hàng cá tra đầu tiên của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang. Đầu tư 1 triệu USD cho nhà máy sản xuất nhưng ngay sau năm đầu tiên đưa hàng vào Wal-Mart, Cửu Long An Giang đã thu về 2 triệu USD. Đó là câu chuyện đã xảy ra tại công ty này cách đây gần 10 năm.
Mãi đến năm 2014, sản phẩm cá tra của Cửu Long An Giang mới trực tiếp vào Wal-Mart mà không phải qua trung gian. Từ những kinh nghiệm sản xuất hàng cao cấp đưa vào Wal-Mart, công ty này đã xây dựng được thương hiệu và hợp tác với nhiều bạn hàng khác. “Đây là yếu tố đã giúp tháo gỡ khó khăn cho Công ty Cửu Long An Giang trong những lúc sóng gió”, bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cửu Long An Giang, chia sẻ.
Ngoài Cửu Long An Giang, một số doanh nghiệp thủy sản khác cũng đã đưa cá tra vào được Wal-Mart. Sản phẩm sấy khô của Vinamit đã vào Wal-Mart Trung Quốc từ nhiều năm nay. Cà phê Trung Nguyên cũng từng bước chân vào hệ thống Wal-Mart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc.
Tự tìm cơ hội vào Wal-Mart, năm 2008, đại diện Công ty Thuận Phương tìm đến văn phòng của Wal-Mart ở Trung Quốc để đàm phán. Kết quả, công ty này đã trở thành nhà cung ứng hàng may mặc Việt Nam đầu tiên có mặt trong hệ thống Wal-Mart. Từ đơn hàng 200.000 sản phẩm trong năm đầu tiên, đến nay Thuận Phương đang cung ứng cho Wal-Mart 3-5 triệu sản phẩm/năm. Thậm chí, Thuận Phương mở thêm 2 nhà máy ở Long An để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Ngoài Thuận Phương, một số doanh nghiệp trong ngành may mặc cũng đã nối gót vào Wal-Mart.
Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phương, cho biết, muốn đưa hàng vào Wal-Mart, Công ty đã phải nghiên cứu kỹ thị trường, xây dựng một chuỗi khép kín từ thiết kế đến sản xuất và phải có quy mô sản xuất đủ lớn mới mong đáp ứng được yêu cầu của đại gia bán lẻ này.
Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được đưa trực tiếp vào hệ thống các siêu thị Wal-Mart tại Anh, Trung Quốc, Mexico… nhưng tại Mỹ chưa nhiều. Tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, Wal-Mart đang ưu tiên chọn nhà cung cấp là các doanh nghiệp nữ thuộc lĩnh vực dệt, may, thêu đan, quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ… bởi đối tượng khách hàng của họ phần lớn là nữ. Mặt khác, đây là một chính sách của Wal-Mart tại khu vực này với mục đích đề cao quyền bình đẳng giới.
Dù nhiều sản phẩm của Việt Nam đã vào Wal-Mart nhưng chủ yếu vẫn là gia công giá rẻ và không thương hiệu. Hàng Việt vào hệ thống này thường mang thương hiệu của nhà sản xuất, hoặc được đặt hàng sản xuất dưới thương hiệu riêng của hệ thống siêu thị Wal-Mart.
Chẳng hạn, một công ty sản xuất giày ở Bình Dương hiện có 2 dòng sản phẩm được đưa vào Wal-Mart nhưng dưới 2 thương hiệu là Nike và Wal-Mart, chỉ có dòng chữ “Made in Vietnam” là được giữ nguyên. Hơn nữa, mức giá sản xuất cho Wal-Mart luôn thấp hơn nhiều so với sản xuất cho những đơn vị khác. Đến nay, chưa có sản phẩm dệt may hay da giày nào của Việt Nam có được thương hiệu riêng để xuất hàng trực tiếp sang hệ thống các siêu thị Wal-Mart ở Mỹ.
Một tổng công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết doanh nghiệp này từng cung cấp hàng cho Wal-Mart. Nhưng sau một thời gian, Công ty đã phải ngưng làm hàng vì giá đặt hàng quá rẻ, trong khi Wal-Mart lại đưa ra các tiêu chuẩn rất khắt khe, nên hầu như Công ty không có lợi nhuận.
Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, một nhà xuất khẩu da giày lớn của Việt Nam, cũng là đối tác của Wal-Mart nhưng theo đại diện của Công ty, làm ăn với Wal-Mart không hề đơn giản. Mức giá mà Wal-Mart yêu cầu sát với giá thành sản xuất của Công ty, trung bình 4-5 USD/sản phẩm (tùy loại giày) cho phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) nên Công ty không có lợi nhuận nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt lại không chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong ngành da giày, nguyên liệu chiếm đến 60% giá thành sản xuất. Do đó, nhiều nguồn hàng của Wal-Mart được đặt từ Trung Quốc vì họ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên sẽ có lợi nhuận khi sản xuất cho Wal-Mart.
Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã vào Walmart nhưng chủ yếu vẫn là gia công giá rẻ và không thương hiệu. Ảnh: japantimes.co.jp
Cũng cần nói thêm, gần đây Wal-Mart gặp nhiều khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ, đặc biệt là các đối thủ trực tuyến như Amazon, trong khi Wal-Mart lại chậm chân trong đầu tư cho mô hình mua sắm trực tuyến. Năm 2015, doanh số bán hàng trực tuyến của Wal-Mart là 13,7 tỉ USD trong khi con số của Amazon là 107 tỉ USD. Điều này cho thấy Wal-Mart đang mất dần vị thế. Dù rằng ở quý IV/2016, Wal-Mart gây bất ngờ khi báo cáo doanh số bán trực tuyến tăng 29% so với cách đây 1 năm, cao hơn mức tăng 22% của Amazon, nhưng xét ở con số tuyệt đối, Wal-Mart vẫn còn bị bỏ lại xa so với Amazon. Cũng vì vậy, nhiều nhà cung cấp lớn cho Wal-Mart cũng không quá mặn mà.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn còn tha thiết. Điều gì khiến giấc mơ Wal-Mart vẫn hấp dẫn doanh nghiệp Việt? Một số công ty cho biết, đành rằng đưa sản phẩm vào Wal-Mart không có nhiều lợi nhuận, nhưng đổi lại họ có thể mở được cánh cửa bước vào thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác. Hơn nữa, họ còn có thể xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp trước các đối tác khác.
Đó là lý do để Đông Hưng, một công ty chuyên sản xuất giày gia công cho nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Clarks, Puma, Reebook, Keds, Burberry…, đồng ý gia công hàng cho Wal-Mart, dù rằng lợi nhuận không đáng kể và mất nhiều công sức. Chẳng hạn, Đông Hưng phải thường xuyên đưa mẫu mã để đối tác kiểm tra trước, sau đó mới biết đơn hàng và số lượng sản phẩm được đặt.
Trong khi đó, Công ty Cửu Long An Giang đã phải trải qua nhiều lần kiểm tra sản phẩm và đạt chuẩn được 4 khâu, chứng minh được tài chính công ty, nhà máy phải đạt chuẩn sản xuất, an ninh chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội thì mới đưa được hàng vào Wal-Mart. Dù khó khăn nhưng đây là một cơ hội để các doanh nghiệp mài giũa và cải thiện năng lực cạnh tranh, cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm riêng. Bà Loan, Công ty Cửu Long An Giang, chia sẻ: “Nhờ đưa sản phẩm cao cấp vào Wal-Mart, Công ty xây dựng được thương hiệu riêng và có thêm nhiều bạn hàng mới”.
Theo NCĐT