Alibaba gần đây đã đưa trang bán lẻ Tmall vào thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và ra mắt phiên bản dịch vụ thanh toán di động Alipay trả bằng đôla Hong Kong (HKD). Tuy nhiên, gã khổng lồ ngành thương mại điện tử Trung Quốc sẽ đối diện với rất nhiều thách thức khi bước vào thị trường này.
Người tiêu dùng tại đây vẫn còn nhiều nghi ngờ về chất lượng hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc. Thương mại điện tử cũng ít phổ biến hơn so với các quốc gia khác ở châu Á. Nếu Alibaba có thể thành công trong việc thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ, đó sẽ là một bước tiến quan trọng để tập đoàn này đạt được tham vọng toàn cầu hóa.
Alibaba chính thức ra mắt ở Hong Kong (Trung Quốc) vào giữa tháng 6, cho phép người tiêu dùng mua hàng rẻ hơn nhập từ Trung Quốc. Một số món hàng có giá rẻ hơn một nửa so với HKTV Mall, nền tảng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hong Kong.
Trong khi đó, Ant Financial – đơn vị tài chính của Alibaba, đã bắt đầu cung cấp ví di động và ứng dụng trả tiền Alipay từ tháng 5, cho phép sử dụng đồng tiền nội bộ của đặc khu này. Giữa tháng 7 họ đã tổ chức một buổi gặp gỡ với các nhà bán lẻ gồm các trung tâm mua sắm, nhà khai thác cửa hàng tiện lợi cũng như các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ để giới thiệu về Alipay.
Venetia Lee, tổng giám đốc Alipay Hong Kong, Macau và Đài Loan cho biết, số người đăng ký ở Hong Kong đã vượt 100.000. Đơn vị hướng đến mốc ít nhất 8.000 doanh nghiệp chấp nhận thanh toán qua Alipay vào cuối năm nay.
Vật cản lớn nhất mà Alibaba phải đối mặt trong việc thâm nhập thị trường này là tâm lý người tiêu dùng chưa tin vào chất lượng các mặt hàng từ Trung Quốc. Giá cả là điểm nhấn chính của các sản phẩm trên Taobao, trang thương mại từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, ấn tượng chung của người dân là thị trường đang ngập tràn hàng giả và kém chất lượng.
“Tôi không tin lắm vào buôn bán online. Nếu nhận một sản phẩm y hệt trong ảnh trên web, tôi chỉ cảm thấy mình may mắn, chỉ có thế thôi”, một người tiêu dùng cho biết.
Tmall lại là nền tảng bán hàng từ doanh nghiệp đến người dùng, có nghĩa nạn hàng giả sẽ khó xảy ra hơn so với cá nhân kinh doanh. Song một bạn trẻ nói vẫn không khỏi nghi ngờ về chất lượng hàng.
Alibaba tham vọng thâm nhập sâu vào thị trường Hong Kong. Ảnh: CNN. |
Người tiêu dùng Hong Kong (Trung Quốc) có xu hướng chuộng mua sắm trực tiếp hơn là thông qua hình thức online. Ở thành phố có đông dân cư này, hầu như mọi người đều di chuyển rất nhanh và thuận lợi đến những trung tâm mua sắm lớn.
Michael Cheng từ công ty tư vấn PwC cho biết online chỉ chiếm ít hơn 5% tổng doanh số bán lẻ ở vùng đất này. Con số cho thấy mua bán online vẫn chưa trở thành thói quen của người dân. “Việc Tmall thâm nhập thị trường chỉ có thể tạo nên một ảnh hưởng nhất định và có giới hạn trong phong cách sống và xã hội tại đây”, ông phân tích.
Năm ngoái Aliababa đã mua cổ phần của Lazada, một thương hiệu kinh doanh trực tuyến có tiếng tại Đông Nam Á. Thương vụ nằm trong kế hoạch chợp lấy những cơ hội phát triển tại khu vực này. Khả năng chiến thắng của Alibaba tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) sẽ là bàn đạp mở rộng ra Đông Nam Á và các thị trường khác.
Trương Sanh (theo Nikkei)