Nếu như thời gian trước các NĐT nước ngoài lấn lướt DN trong nước ở kênh bán lẻ hiện đại, thì trong vài năm trở lại đây thế trận đã cân bằng hơn. Giai đoạn tới, sự cạnh tranh trên thị trường được dự báo sẽ ngày càng gay gắt, song cơ hội để DN trong nước giành lại sân nhà là rất lớn. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/3.

Các nhà bán lẻ Việt cần phát huy những lợi thế vốn có kết hợp với công nghệ hiện đại

 

Dư địa thị trường lớn

 

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2015 – 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 10,5-10,9% so với năm trước. Riêng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

 

Nhận diện thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60%, Singapore 90%…

 

Với các lợi thế đó, thời gian qua làn sóng vốn trong nước và vốn FDI tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam. Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, bà Nga khẳng định, thông qua việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại. Theo báo cáo của Sở Công thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức trên 80%; tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65-95%; tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi từ 60% trở lên.

 

Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao. Từ đó, các DN bán lẻ Việt Nam có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường các quốc gia mà Việt Nam tham gia FTA, với ít rào cản và điều kiện hơn.

 

Bà Nga cũng chia sẻ, dư địa phát triển của kênh bán lẻ hiện đại còn rất lớn. Bởi so với tình hình phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt. Theo tính toán của Bộ Công thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng…, DN bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

 

Công nghệ đang làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng

 

Tận dụng lợi thế, nắm bắt công nghệ

 

Ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển mới ở giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho các NĐT đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng đang phát triển nhanh trên thế giới.

 

Mặc dù kênh bán hàng truyền thống chiếm tới 75% tổng mức tiêu dùng xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%/năm trong một vài năm gần đây, so với sự phát triển của 2 con số của kênh bán lẻ hiện đại cho thấy triển vọng phát triển của kênh thương mại hiện đại là rất sáng sủa. Vì vậy ông Phú khuyến nghị các nhà bán lẻ trong nước cần nắm bắt công nghệ, tiếp thu nhanh và hiệu quả kinh nghiệm của các nước đi trước để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình ngay ở thị trường nội địa. Những nhà bán lẻ Việt Nam có khá nhiều lợi thế so sánh với các nhà bán lẻ nước ngoài như tiềm lực mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt Nam… cần phát huy những lợi thế vốn có kết hợp với các công nghệ hiện đại của thế giới.

 

Ông Phú khẳng định, giai đoạn 2018-2020 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và DN nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống; là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online; mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mall, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…

 

Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đồng tình cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam còn đầy tiềm năng, nhiều cạnh tranh, nếu DN Việt không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà. Đặc biệt, hiện bán lẻ theo chuỗi đang là xu hướng phát triển cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

 

Trong bối cảnh đó, với đặc thù DN đang trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, Hapro đã xây dựng định hướng phát triển mảng kinh doanh bán lẻ dựa trên việc tận dụng tối đa thế mạnh của mình tại thị trường Hà Nội, phát triển từng bước, theo từng giai đoạn. Theo đó, Hapro đã xây dựng và phát triển hệ thống chuỗi siêu thị cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood trên địa bàn các quận Hà Nội là chính, với các cửa hàng bám theo khu dân cư. Lấy tiêu chí mang lại sự thuận tiện cho việc mua sắm của người dân khu vực xung quanh để thu hút khách hàng, chuỗi này có hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và sản xuất tại Việt Nam, chú trọng xây dựng bộ sản phẩm là hàng nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền của Việt Nam.

 

Ngoài ra, Hapro hợp tác với một số đối tác khác phát triển hệ thống siêu thị Seikamart. Trong đó bộ sản phẩm đặc trưng là các sản phẩm thực phẩm, gia dụng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc với đối tượng khách hàng là những người có thu nhập khá, tận dụng mối quan hệ với các nhà sản xuất trên thế giới.

 

“Chúng tôi xác định đầu tư xây dựng chuỗi bán lẻ trên cơ sở tận dụng thế mạnh của DN, không quá chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và phát triển về quy mô, tránh đối đầu cạnh tranh trực diện với các chuỗi bán lẻ nước ngoài lớn tại thị trường Việt Nam”, ông Vượng chia sẻ kinh nghiệm.

 

Ngọc Khanh (Theo Thời báo Ngân hàng)