Theo dự báo, hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD.

 

 Hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD.

Phát biểu tại Họp báo trước thềm Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2017), ông Lê Trọng Minh, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2017 cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Minh, hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2014 – 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ hai với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn; sự trỗi dậy của các công ty khối tư nhân, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A là động lực quan trọng của làn sóng thứ hai này.

Sau khi đạt đỉnh năm 2015, mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị M&A ước đạt 5,2 tỷ USD, năm 2016 theo thống kê của IMAA, giá trị các thương vụ M&A đạt 5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.

Tuy nhiên, hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Riêng trong quý I/ 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới đạt 1,1 tỷ USD.

Trong bối cảnh chung, theo báo cáo của Diễn đàn M&A Vietnam Forum 2017, trong năm 2016, giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 3.500 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2015, dù đây vẫn là mức cao và duy trì được trong một thời gian dài.

Dự báo M&A thế giới 2017 sẽ là một năm khó dự đoán do những bất ổn từ Brexit đến ảnh hưởng của những chính sách mới của Donald Trump, Tổng thống Mỹ. Đặc biệt, có một số nhận định cho thấy sẽ tiếp tục là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò là người đi mua. Còn các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu sẽ thận trọng hơn và sẽ có sự dịch chuyển trong vốn đầu tư tại các thị trường quốc tế.

Tại Việt Nam, thị trường M&A được đánh giá là sẽ cần một sự thúc đẩy mới từ vốn nước ngoài để tiêu thụ hết lượng cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước đang chào bán, các thương vụ chuyển nhượng trong nước, đồng thời thúc đẩy vượt ngưỡng 6 tỷ USD. Nhất là dự báo về “Làn sóng thứ hai” tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn. Nhưng, để bùng nổ thật sự, thị trường đang cần bước đột phá lớn.

Bên cạnh đó, hiện dòng vốn ngoại đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam rất nhiều. Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến tiến trình thoái vốn tại Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, Habeco, MobiFone… Điều này cũng đòi hỏi sự mạnh mẽ của Nhà nước trong việc cổ phần hoá, thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn tạo ra một nguồn hàng mới phong phú, hấp dẫn.

Nói về những khó khăn, ông Minh cho rằng, những thách thức đến từ bên ngoài như sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là Mỹ quyết định rút khỏi TPP hay nội tại bên trong nền kinh tế như là trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn Doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông…

“Hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của chính phủ để thúc đẩy hoạt động M&A phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng giá trị và chất lượng các thương vụ”, ông Minh cho biết.

Phương Dung (dantri)