Nhật Bản là một trong những thị trường tiêu thụ lớn của hàng hóa Việt Nam, nhất là nhóm nông sản, thực phẩm.

Thị trường Nhật đang có nhiều cơ hội cho các DN Việt

Nằm trong Top 5 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, thị trường Nhật Bản luôn là mục tiêu khai thác của doanh nghiệp Việt. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thực phẩm đang có nhiều lợi thế khi được người tiêu dùng Nhật ưa thích, số lượng nhập khẩu tăng qua từng năm.

Ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản) cho biết, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường có tiềm năng nhất về tiêu thụ hàng nông sản và thực phẩm Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2020, khi các thị trường khác sụt giảm kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thì tại Nhật Bản, kim ngạch nhập khẩu hàng Việt vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong nhóm hàng xuất sang Nhật thì nông thủy sản có mức tăng trưởng mạnh nhất, với kim ngạch xuất khẩu tăng 9,2% so với cùng kỳ 2019; các sản phẩm cà phê tăng 15%, hàng rau quả tăng 26,4%, hạt điều tăng 52,4%… Thời gian tới, lượng hàng rau quả xuất sang Nhật sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là khi vải thiều đang vào vụ. Các tỉnh trồng vải lớn như Bắc Giang đã được phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng vải (với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế, Lục Ngạn).

Trong 5 năm trở lại đây, nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tăng đều đặn, như tôm chiếm trên 25% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này vào Nhật Bản và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam. Ở Nhật Bản, các sản phẩm tôm chế biến sẵn, có tính tiện dụng cao (tôm đông lạnh bỏ đầu và vỏ, còn đuôi… các sản phẩm tôm chế biến) sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới, do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển, khi số người độc thân gia tăng, việc nội trợ có xu hướng giảm. Tương tự, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, mực và bạch tuộc ướp lạnh hoặc đông lạnh cũng có tiềm năng xuất khẩu tốt. Đối với các mặt hàng rau quả, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Nhu cầu của người Nhật với các loại trái cây nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải, măng cụt ngày càng lớn.

Ba năm trở lại đây, nhóm thực phẩm ăn liền, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến của Việt Nam như phở, bún, miến, mì ăn liền và các loại gia vị như tiêu, ớt, nước mắm… đang trở thành xu hướng tiêu dùng tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật thích thực phẩm khô ăn liền của Việt Nam bởi phù hợp khẩu vị, hợp túi tiền với những người trẻ, người độc thân có thu nhập trung bình. Họ ưu tiên chọn các thực phẩm này vì ngoài giá rẻ còn rất tốt cho sức khỏe vì trong khi hầu hết mì dạng sợi ở Nhật đều làm từ bột mì, thì Việt Nam thường được sản xuất từ bột gạo. Người tiêu dùng trẻ Nhật Bản thường thích mua những đồ ăn liền (như phở, mì gói) với số lượng nhiều một lần hơn là đơn lẻ vài gói/hộp.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, mảng thực phẩm tươi, sống các loại vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, với nhóm thực phẩm này, yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao (tương đương tiêu chuẩn theo quy định nhập khẩu của Châu Âu). Ví như cá ngừ của Việt Nam, hiện xuất khẩu sang Nhật chủ yếu vẫn là thăn/phi lê đông lạnh, chứ không phải cá tươi và chỉ chiếm 3% thị phần, trong khi Thái Lan chiếm 58%, Indonesia là 19%… Người Nhật hiện chuộng sản phẩm gia cầm (gà, vịt) nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc; Trái cây thì từ Thái Lan, Philippine, Brazil và Trung Quốc với các loại chuối, cam, xoài, nhãn… trong khi trái cây Việt Nam chỉ có số ít là vải, thanh long, xoài… nhưng số lượng thấp.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương), người tiêu dùng Nhật rất chịu chi cho thực phẩm trong tiêu dùng hàng ngày. Tại Nhật, các địa điểm mua sắm rất đa dạng và người Nhật vẫn thích vào siêu thị để mua thực phẩm, tiếp theo là các cửa hàng tiện lợi. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngoài hiểu biết thói quen này còn cần phải quan tâm đến các đặc thù về vị trí địa lý khi Nhật Bản có 4 hòn đảo lớn, chiếm 97% diện tích và mỗi vùng miền lại có một văn hóa và cấu trúc kinh tế khác nhau để kinh doanh chủng loại hàng hóa phù hợp nhất. Đặc biệt, để tạo thuận lợi khi xuất khẩu thực phẩm vào Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam nên liên kết với doanh nghiệp trung gian Nhật Bản. Doanh nghiệp bên thứ ba này sẽ giúp nghiên cứu thị trường cũng như kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm để có thể đạt chuẩn.

 

Thanh Trà (Theo Thời báo Ngân hàng)