Theo báo cáo “Những bước chuyển trong ngành hàng thực phẩm” mới được công bố bởi Nielsen, một công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu, ngành hàng thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay.

 

 

Dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsen tại cả hai kênh truyền thống và hiện đại trên toàn quốc đã chỉ ra rằng doanh số của ngành hàng thực phẩm tăng trưởng 7% trong năm 2017, đóng góp tới 16,3% vào tổng doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

 

Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn vào hai nhóm sản phẩm chính của ngành hàng thực phẩm, thì các sản phẩm thuộc nhóm thông dụng hàng ngày (bao gồm mì gói, nước tương, dầu hào, nước mắm và bột ngọt, bột nêm) lại không thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ như các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm được mua “ngẫu hứng” (bao gồm bánh quy, bánh xốp mềm, snack). Trong đó, các sản phẩm snack cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 21% trong năm 2017.

 

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho biết: Qua phân tích trên các sản phẩm thành công có thể thấy các sản phẩm này đều có điểm chung là thỏa mãn những nhu cầu mới của người tiêu dùng; mang lại những trải nghiệm mới cho họ (thông qua các giá trị mới và/hoặc những đặc tính mới mà sản phẩm cung cấp); và các sản phẩm này tiếp cận người tiêu dùng ở đúng kênh phân phối.

 

37% người tiêu dùng Việt cho thấy sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất của họ. Bên cạnh đó, 4 trong 5 người tiêu dùng cho thấy họ quan tâm sâu sắc đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ra (80%) và mong muốn biết rõ những chất cấu tạo nên thức ăn mà họ sử dụng hàng ngày (76%). Do đó, họ rất sẵn sàng chủ động điều chỉnh những thói quen để đảm bảo sức khỏe của bản thân.

 

Theo ông Dũng: “Nếu nhà sản xuất nào có thể cho thấy những nỗ lực để xây dựng hình ảnh “tốt cho sức khỏe” để đáp ứng được nhu cầu này của người tiêu dùng, đó sẽ là những người chiến thắng trên thị trường”.

 

Bên cạnh đó, có một sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu đã tạo ra nhu cầu cao hơn của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm tốt hơn, cao cấp hơn đi kèm với chất lượng nổi bật và đem đến những trải nghiệm đặc biệt. Đồng thời, người tiêu dùng hiện nay cũng đang tìm kiếm những sản phẩm thực phẩm cung cấp những giá trị mới, có chất lượng tốt và có mẫu mã/bao bì đặc trưng, tạo sự đột phá.

 

Ngoài ra, ông Dũng cũng lưu ý: sự tiện lợi tiếp tục là nhu cầu cao của người tiêu dùng tại Việt Nam. Các cửa hàng định dạng nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã được mở rộng mạnh mẽ trong 2-3 năm qua để đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng về lối sống của người tiêu dùng Việt. Xu hướng này đòi hỏi các nhà sản xuất thực phẩm cần phải tập trung hơn trong việc phát triển các chiến lược kinh doanh để giải quyết được nhu cầu của họ về gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của một người và tiện lợi để mang theo, sử dụng trên đường đi.

 

Theo Thời báo Ngân hàng