Ngày 5/12/2014 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử để bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BCT và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT được Chính phủ ban hành ngày 16/5/2013. Thông tư số 47/2014/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 20/1/2015.

Người bán trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương

Người bán trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương

Về cơ bản, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể nhiều nội dung trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho thương mại điện tử. Nhằm tư vấn những doanh nghiệp và cá nhân quan tâm tới các nội dung mới liên quan tới kinh doanh sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, qua nghiên cứu bước đầu, chúng tôi xin nêu một nhận xét sau:

– Thứ nhất: về trách nhiệm đăng ký, theo Thông tư 47, người bán trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương.

– Thứ hai: về nghĩa vụ nộp thuế, cần phân biệt hai nhóm cá nhân:

  • Nhóm thứ nhất là các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Theo Luật Thương mại, họ là thương nhân và phải tuân thủ Luật này cũng như pháp luật về thuế.
  • Nhóm thứ hai là các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, họ cũng phải tuân thủ pháp luật về thuế. Theo khoản 3 Điều 2 của Luật Thương mại, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật thương mại đối với các cá nhân này. Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 47 “Người bán trên các mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 6 phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP”. Theo đó, người bán trên các mạng xã hội phải thực hiện trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm cả quy định về việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và thuế cần thông báo kịp thời và đầy đủ các thủ tục liên quan. Nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cá nhân thuộc nhóm thứ hai này, các hoạt động khai báo, nộp thuế và kiểm tra giám sát nên được thực hiện trực tuyến.

– Thứ ba: về trách nhiệm của các chủ sàn TMĐT đối với việc chất lượng của sản phẩm được bán trên sàn, Khoản 4 Điều 4 Thông tư 47 có quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong việc loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về người bán, nhưng chủ sàn cũng phải chủ động phát hiện và chịu một phần trách nhiệm khi trên sàn bán các loại hàng hóa vi phạm pháp luật.

Quy định này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng.

Rõ ràng là đã tới thời điểm chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử hay cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội phải tìm hiểu các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình cũng như của khách hàng trong môi trường trực tuyến.

VECOM.