Ngày 31 tháng 12 năm 2015 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) qua ứng dụng trên thiết bị di động.

thong-tu-nghi-dinh

Thông tư bao gồm 04 Chương và 24 điều, bao gồm: Chương I – Những quy định chung (Điều 01 – 09); Chương II – Thủ tục thông báo, đăng ký ứng dụng di động (Điều 10 đến 19); Chương III – Công bố thông tin trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (Điều 20 đến Điều 22); Chương IV – Điều khoản thi hành (Điều 23 và 24). Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Theo Báo cáo TMĐT năm 2014, dân số Việt Nam là hơn 90 triệu dân với tỷ lệ dân số có sử dụng Internet là 39%, số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao, 36% dân số có sử dụng internet qua nền tảng di động. Tháng 01 năm 2015, WeAreSocial cũng đã công bố kết quả khảo sát về tỷ lệ dân số mua hàng trực tuyến qua thiết bị di động của 27 quốc gia. Theo đó, ưu thế cơ cấu dân số vàng với 40% dân số có độ tuổi trẻ từ 10 đến 24 tuổi đã đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ dân số mua hàng trực tuyến qua thiết bị di động tương đối cao lên đến 15%, đứng ngang hàng với Úc, Brazil, Arab Saudi, đứng trên các nước có nền kinh tế phát triển về công nghệ như Nhật, Pháp… Do vậy, thông tư ra đời là công cụ quản lý nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử trên các thiết bị di động.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2016. Theo đó, các ứng dụng di động được thành lập và hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải tiến hành thông báo hoặc đăng ký theo quy định tại Thông tư này trong vòng 60 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Chi tiết thông tư xem tại văn bản đính kèm./.

Theo VECITA.