Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã có hiệu lực, trong đó mặt hàng cà phê được hưởng thuế 0% là cơ hội lớn cho DN Việt.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt cà phê Robusta (trái)
Ngày 10-11, thông tin về tiềm năng xuất khẩu cà phê Việt Nam vào một số quốc gia Bắc Âu của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (Bộ Công Thương), cho biết Na Uy xếp thứ hai trên thế giới về tiêu thụ cà phê bình quân đầu người với khoảng 9,9 kg/năm. Đan Mạch xếp thứ tư với mức tiêu thụ bình quân đầu người 8,7 kg/năm và Thụy Điển xếp thứ sáu với mức tiêu thụ bình quân đầu người 8,2 kg/năm.
Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy chủ yếu tiêu thụ cà phê đen, không sữa và đường. Nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho các quốc gia trên là Braxin. Hàng năm các nước này này nhập khẩu khoảng 455 triệu USD và chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Brazil, Honduras.
Trong khi đó, hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử chất cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Năm 2019 giá trị xuất khẩu vào các quốc gia này đạt khoảng 6,8 triệu USD.
Mặt khác, các quốc gia Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta.
Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào khu vực này, các DN cần chú trọng vào khâu canh tác, phát triển sản xuất xuất gắn với môi trường bền vững.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, trong đó mặt hàng cà phê được hưởng thuế 0% là cơ hội lớn cho DN Việt, sẽ giúp cà phê Việt Nam có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh tại khu vực này.
Bên cạnh đó, theo EVFTA Việt Nam có 39 sản phẩm được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Vì vậy, ngoài phát triển thị trường cà phê truyền thống, DN có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản.
http://www.nhuongquyenvietnam.com/
Tú Uyên(Theo PLO)