Nhiều chuỗi cà phê, ẩm thực lớn đang đua nhau mở ki-ốt, xe đẩy, xe lưu động… để giảm bớt chi phí mà vẫn có thể tăng nhận diện thương hiệu và doanh thu.

 

Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng đã triển khai mô hình xe lưu động, ki-ốt… để thích ứng với tình hình mới. Ảnh: THU HÀ

 

Để thích ứng với tình hình mới, nhiều chuỗi cà phê, thực phẩm lớn nổi tiếng chuyển hướng sang mô hình mới nhỏ gọn, tiện lợi, cơ động hơn so với trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Tung phiên bản mới

Mới đây chuỗi cà phê The Coffee House bất ngờ thông báo ra mắt mô hình The Coffee House Now, trong đó ki-ốt là loại hình đầu tiên của mô hình này. Đại diện thương hiệu The Coffee House chia sẻ phiên bản mới sẽ tập trung xây dựng các cửa hàng nhỏ trên phố, ki-ốt và xe đẩy tại những địa điểm gần nơi sinh sống, làm việc và mua sắm của khách hàng.

Trong đó, cửa hàng trên phố chủ yếu bán mang đi và giao hàng tận nơi, đồng thời có thêm không gian nhỏ cho khách ngồi lại. Còn ki-ốt là sự kết hợp với các chuỗi phân phối lớn ở những nơi có mật độ người tiêu dùng cao, trong khi xe đẩy được định hướng mang đến mô hình quán cà phê thu nhỏ di động.

Ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc điều hành The Coffee House, cho biết chuỗi cà phê này đang hướng tới việc phục vụ thói quen mua sắm và uống cà phê trong thời kỳ bình thường mới vốn đã hình thành sau giai đoạn giãn cách kéo dài. “Với quán cà phê thu nhỏ, chúng tôi hướng đến mô hình tự phục vụ, đảm bảo an toàn cho nhân viên lẫn khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn sống chung với dịch” – ông Anh cho biết.

Thực tế, mô hình cửa hàng thu nhỏ, hướng đến bán mang đi cũng đã được nhiều thương hiệu sang chảnh ngành thực phẩm và đồ uống áp dụng khá thành công. Ví dụ, chuỗi Chuk Chuk bán cà phê, trà sữa, kem… của Kido ra mắt đầu tháng 6 theo mô hình cửa hàng kết hợp ki-ốt và xe đẩy. Trong đó riêng mô hình xe đẩy sẽ có mặt tại mọi cung đường, trải khắp vùng miền trên cả nước.

Ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Kido, khẳng định công ty đặt mục tiêu phát triển hệ thống cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy khắp TP.HCM. Mô hình này được công ty kỳ vọng sẽ là động lực chính, đồng thời cũng là cách đi nhanh nhất để đạt mục tiêu có tổng cộng 1.000 điểm bán trong tương lai.

Tương tự, thương hiệu trà và cà phê Phúc Long đã triển khai mô hình ki-ốt ở các cửa hàng VinMart+, sau khi Tập đoàn Masan mua 20% cổ phần từ công ty chủ quản. Phía Masan và Phúc Long đặt mục tiêu sẽ mở 1.000 ki-ốt đến giữa năm sau. Đáng chú ý, trong tháng 11 này, chuỗi nhà hàng Vua Cua dự kiến khai trương đồng loạt 15 điểm xe cua tại hệ thống siêu thị Co.opmart, WinMart và năm cửa hàng nhượng quyền.

Đa dạng mô hình, giảm chi phí mặt bằng

Giới kinh doanh ẩm thực tính toán, đối với các chuỗi cà phê, hiện chi phí thuê mặt bằng chiếm đến 30%-40% tổng chi phí. Đây là mức cao. Do đó, để tồn tại các doanh nghiệp trong ngành buộc phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí mặt bằng. Bằng chứng là vào thời điểm cửa hàng Signature, một biểu tượng của The Coffee House trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) đóng cửa vĩnh viễn, ông Lê Bá Nam Anh thừa nhận rằng việc đóng cửa là để tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch, dồn lực cho việc chuyển đổi mô hình từ cũ sang mới.

Ông Anh cũng cho rằng với việc mở ki-ốt khi kết hợp với các chuỗi phân phối lớn trên thị trường, nơi có mật độ người tiêu dùng cao sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. “Những mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ lên ngôi trong tình hình mới, đi kèm với đó là sản phẩm, kênh bán và thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp. Bên cạnh đó, trải nghiệm khách hàng cũng bước sang một giai đoạn đặc biệt, trong đó các yếu tố về tính linh hoạt, tiện lợi, an toàn sẽ được đề cao” – ông Anh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Tùng, người sáng lập Cloud Cook và Pizza Home, cho rằng chi phí mặt bằng là một trong những gánh nặng lớn về tài chính đối với các chuỗi kinh doanh đồ ăn, thức uống trong suốt thời gian gần hai năm vừa qua khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. “Chính vì thế, hầu hết đơn vị trong ngành còn tồn tại được đến thời điểm hiện tại đều đã chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hoặc phải thương thuyết lại chi phí thuê mặt bằng” – ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, đối với mô hình nhà hàng thực phẩm, quán cà phê có tính đặc thù là phải có độ phủ tốt để tạo được sự thuận tiện và có khả năng tiếp cận đến khách hàng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc mở rộng mật độ phủ nếu làm theo cách cũ là mở những quán hoành tráng kiểu truyền thống sẽ tốn nhiều chi phí nên phải nghiên cứu rất kỹ càng. Còn với mô hình ki-ốt hay xe đẩy thì chi phí ít hơn, triển khai bán hàng nhanh hơn và có khả năng mở rộng độ phủ tốt hơn.

Thêm vào đó, với sự diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các thương hiệu đều ngại đầu tư vào mặt bằng hay cơ sở vật chất quá lớn, cộng với thói quen gọi mang về của khách hàng ngày càng phổ biến thì mở rộng mô hình ki-ốt hay xe đẩy là hướng đi an toàn, hiệu quả. Đó cũng là hướng đi mà các ông lớn trong mảng kinh doanh đồ ăn, thức uống đang lựa chọn.

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder, nhìn nhận rằng hậu nới lỏng giãn cách là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp lựa chọn mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. “Với việc các thương hiệu sang chảnh đưa đồ ăn, thức uống xuống phố, dù có thể hy sinh một phần về hình ảnh thương hiệu nhưng đây thực sự là mô hình hiệu quả, mang lại nhiều kết quả tốt cho nhà kinh doanh” – ông Tuấn nói.

Hình thành một “thế hệ” người tiêu dùng mới

Một báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường JLL đánh giá mô hình ki-ốt, xe lưu động bán hàng mang đi… là phương án ngắn hạn để các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống thử nghiệm các phân khúc thị trường mới cũng như gia tăng độ nhận diện thương hiệu. Mặt khác, chi phí mặt bằng, nhân viên và vận hành cũng được cắt giảm đáng kể.

Từ xu hướng này, JLL nhận xét rằng những người chủ ưa sáng tạo với ý tưởng mới mẻ và ngân sách hạn chế cũng có thể áp dụng mô hình này để thử thị hiếu của thực khách trước mà không cần bỏ ra các loại chi phí truyền thống cho đến khi sẵn sàng mở cửa hàng, nhà hàng, quán ăn quy mô lớn.

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường tại JLL Việt Nam, so với hàng rong, mô hình này cũng chiếm nhiều ưu thế hơn. Đặc biệt, với hình thức xe thực phẩm lưu động có thể cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao hơn, giúp đánh tan định kiến đồ ăn lề đường kém an toàn thực phẩm.

“Dần dần mô hình này có thể sẽ trở thành một cảnh tượng quen thuộc trên các con phố, trong trung tâm mua sắm và tại các lễ hội, thu hút một thế hệ người tiêu dùng mới. Thành công của mô hình này đang thúc đẩy những thương hiệu khác làm theo để kéo thêm khách hàng mới” – bà Trang Bùi nhận định.

 

Thu Hà (Theo PLO)

huongquyenvietnam.com