Kết quả cuộc khảo sát thực hiện bởi Bain & Company và Google cho hay, đến năm 2020 doanh số bán lẻ trực tuyến tại Đông Nam Á (ASEAN) có thể vươn đến ngưỡng 70 tỷ USD dù mức hiện tại chỉ là 6 tỷ USD.

Jones Lang Lasalle dẫn nguồn báo cáo này và nhận định thêm, triển vọng về thị trường thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á đang rất lớn. Mức độ thâm nhập bán lẻ trực tuyến ở Đông Nam Á dưới 4% tổng tiêu dùng bán lẻ – thấp hơn so với các thị trường khu vực khác, tuy nhiên khả năng tăng tốc lại đột biến, có thể từ mốc 6 tỷ USD vọt lên 70 tỷ USD.

Tiến sĩ Yang Liang Chua, phụ trách Bộ phận Bán lẻ Jones Lang Lasalle Đông Nam Á cho biết, niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường thương mại điện tử trong khu vực này ngày càng được củng cố. Thước đo chính là khối ASEAN liên tục xuất hiện nhiều thương hiệu mới gia nhập thị trường cũng như các đại gia thương mại điện tử không ngừng mở rộng quy mô.

Cụ thể, trong tháng 4/2016, Alibaba tuyên bố đang nắm giữ phần lớn cổ phần của Lazada.com – nền tảng thương mại điện tử của khu vực với trụ sở chính đặt tại Singapore. Theo báo cáo, năm 2015 tổng giá trị thị trường là 1,3 tỷ USD, bao gồm sáu thị trường thuộc khu Đông Nam Á.

1,1ty

Doanh số TMĐT được dự báo tăng mạnh trong 5 năm tới

Cuối năm 2015, JD.com nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc với các sản phẩm máy tính, hàng tiêu dùng điện tử và đồ dùng sinh hoạt có xuất xứ Trung Quốc cũng tấn công vào thị trường Indonesia, nước có nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á và có dân số đông thứ tư trên thế giới. Nhà bán lẻ này cũng thiết lập một miền phụ cho trang web của mình với mục tiêu hướng đến thị trường người tiêu dùng Indonesia.

Mặt khác, Ngân hàng SoftBank, Quỹ đầu tư Sequoia Capital và SB Pan-Asia đã đầu tư tổng cộng 100 triệu USD vào Tokyopedia – thị trường trực tuyến lớn nhất của Indonesia. Sắp tới vào năm 2017-18, SM Mall châu Á tại thành phố Bay, Pasay, Philippines được dự kiến sẽ hoàn tất việc mở rộng hoạt động, khi đó trung tâm thương mại này có thể trở thành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới với tổng diện tích sàn ước tính hơn 600.000-700.000 m2.

Nhiều thương hiệu nước ngoài mới cũng đua nhau gia nhập thị trường ASEAN. Ví dụ tại Manila, New Era – một thương hiệu mũ thời trang của Mỹ, cùng với Gap, Under Armour, Applebee’s và nhà hàng bánh bao Din Tai Fung của Đài Loan, đã tiến vào thị trường Manila vào năm 2015. Ở Indonesia, cửa hàng thời trang “ăn liền” của Nhật Uniqlo thành lập cửa hàng đầu tiên vào năm 2013, và hiện đã mở rộng đến chín cửa hàng trên khắp Jakarta. Trong tháng tư năm 2013 Old Navy cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại Central Park Mall ở phía tây Jakarta.

Tiến sĩ Yang Liang Chua dự báo, Chính phủ các nước có thể tự do hóa và đầu tư nhiều hơn vào ngành Công nghê thông tin và phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tốt hơn nữa cho thương mại điện tử khu vực. Ngoài ra, các nhà điều hành cũng có thể ban hành những chính sách về dịch vụ hậu cần, phát triển hệ thống giao vận tải giúp tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử ở Đông Nam Á.

Theo: kinhdoanh.vnexpress.net