Số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử năm nay có thể đạt mức 30%, với tổng giá trị đạt hơn 15 tỷ USD.
Thương mại điện tử năm 2020 tăng trưởng mạnh. (Ảnh minh họa: KT)
Năm 2020 là một năm đầy biến động, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều hoạt động kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những ngành nghề, lĩnh vực “ngược dòng” – không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn bứt phá mạnh mẽ, đóng góp vào “kỳ tích” tăng trưởng dương của nền kinh tế Việt Nam. Thương mại điện tử là ví dụ điển hình. Số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành này năm nay có thể đạt mức 30%, với tổng giá trị đạt hơn 15 tỷ USD.
Chịu tác động đa chiều từ đại dịch Covid 19, trong khi hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa – quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí đóng cửa, giải thể… thì lĩnh vực thương mại điện tử ghi nhận những tín hiệu tích cực-trái ngược. Cụ thể, Covid-19 trở thành chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng – mọi người nhanh chóng chuyển mạnh từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Nhờ đó, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn giữ nguyên được đội ngũ nhân sự và lượng giao dịch, sau đó sớm tuyển dụng thêm nhân sự, phục vụ tăng tốc kinh doanh.
“Doanh nghiệp đã xuất khẩu thông qua thương mại điện tử gần 3 năm nay. Qua một thời gian triển khai cũng đạt được những thành công nhất định, cải tiến về các hình ảnh sản phẩm giới thiệu được đẹp hơn, đăng video các khách hàng từ xa có thể nhìn thấy được doanh nghiệp, sản phẩm của mình… Đây là một trong những mấu chốt để có thể kinh doanh trên thương mại điện tử thành công. Đặc biệt nhất là trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 sử dụng kênh thương mại điện tử hiệu quả, cho nên doanh nghiệp đã vượt qua được khó khăn, duy trì được đà phát triển”, bà Đoàn Thúy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Glovimex cho biết.Không chỉ mua-bán nội địa, dựa trên nền tảng “số”, cơ quan chức năng cùng các doanh nhân – doanh nghiệp Việt đã có thể thực hiện trao đổi hàng hóa – giao thương đối ngoại. Có thể kể đến sự tham gia đông đảo của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt vào hàng loạt sự kiện như: hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa chuyên đề nông sản, thực phẩm Việt Nam – Quảng Tây, Trung Quốc; hội nghị Giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Vân Nam, Trung Quốc ; hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam – Singapore hay hội nghị xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam – Hoa Kỳ hậu Covid 19…
“Nhận biết được ý nghĩa, vai trò của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đặc biệt trong hoạt động ngoại thương xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có các hoạt động hợp tác với Amazon hỗ trợ, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ và các thị trường khác trên toàn thế giới. Kết quả rất đáng khích lệ, chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định.
Đó là những thông tin cho thấy cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở khi khẳng định doanh thu của các doanh nghiệp ngành thương mại điện tử cả năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 30% so với 2019, cũng đồng thời là số liệu thể hiện luận điểm “biến nguy thành cơ” luôn có khả năng xuất hiện trong thương trường.
“Covid-19 là cú huých đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua hàng trực tuyến. Covid-19, nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số. Thêm vào đó là Quyết định 645 của Chính phủ, với kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử 2021-2025, với nhiều mục tiêu cụ thể. Tôi cho rằng với sự đồng lòng, mục tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp, đây sẽ là cú huých phát triển thương mại điện tử của chúng ta”, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Thế nhưng, cơ hội cho một nhóm đối tượng, ở đây là những cá nhân – doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại điện tử đã không tỷ lệ thuận với lợi ích – nhu cầu thực sự của người dân. Thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, hay trong hàng loạt các sự kiện: Ngày mua sắm trực tuyến online Friday, Black Friday, sự kiện siêu sale nhân dịp sinh nhật một số sàn thương mại điện tử… cho thấy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã và đang lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán này là người tiêu dùng không được trực tiếp trải nghiệm, đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán, nhận hàng, đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là hàng cấm… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Sản phẩm tôi nhận được không giống như mô tả trên website bán hàng. Tôi mua 1 cái cưa cho mục đích sử dụng thực tế, nhưng khi tôi nhận về, đúng hình dáng 1 cái cưa, nhưng chỉ to bằng ngón tay thôi”, một người mua hàng online chia sẻ.
Thực tế, nhận được phản hồi tương tự từ người dân, đồng thời dự đoán tình hình từ trước, cơ quan chức năng đã có những kịch bản cho vấn đề như: tổ chức Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong Thương mại điện tử” hay phát triển “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử: online.gov.vn”. Gần đây nhất là các văn bản hướng dẫn yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử phải kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa vi phạm… Nhưng tình hình chưa có nhiều cải thiện. Sự thiếu minh bạch và thiếu trung thực của các thương nhân vẫn là bài toán khó khăn, nan giải nhất trong nỗ lực lành mạnh hóa và phát triển bền vững xu hướng thương mại điện tử.
“Cơ quan chức năng và Chính phủ cần thúc đẩy nhanh hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy mua bán trực tuyến. Và cũng cần quan tâm thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách tăng cường các hoạt động tạo niềm tin cho họ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Ngoài vấn đề “niềm tin của người tiêu dùng”, các lí do khác bao gồm: hệ thống thanh toán điện tử chưa thuận lợi, hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống thương mại điện tử còn thiếu, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đồng bộ… cũng là những điểm yếu, có nguy cơ kìm hãm tiềm năng phát triển thương mại điện tử thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng cần sớm có “một chiến lược lan toả” – giúp duy trì năng lực sẵn có, mới mong tăng tốc, phát triển bền vững toàn ngành như kỳ vọng, đóng góp vào tăng trưởng chung.
Thu Trang (Theo VOV)
Thương mại điện tử năm 2020 tăng trưởng mạnh – Liệu có là xu hướng bền vững?
Ngày đăng: 25/12/2020 15:50:24