Cơ hội lớn cho DN bưu chính
Trao đổi với ICTnews về việc tham gia làm thương mại điện tử, đại diện lãnh đạo các DN giàu kinh nghiệm trong ngành bưu chính như VietnamPost, ViettelPost, Kerry TTC Express (trước là Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành), Netco, SaigonPost… đều có chung nhận định, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ICT và TMĐT chính là cơ hội, vận hội lớn cho các DN bưu chính chuyển phát phát triển, gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Ông Lương Ngọc Hải – Tổng giám đốc ViettelPost khẳng định, ICT càng phát triển, các giao dịch TMĐT càng sôi động thì cơ hội cho các DN bưu chính chuyển phát sẽ càng nhiều.
“Bởi lẽ, ICT phát triển sẽ làm cho con người “lười” hơn. Thay vì trực tiếp đi mua hàng như giai đoạn trước, với sự hỗ trợ của viễn thông và CNTT, chỉ bằng vài “click” hay một cuộc điện thoại, con người có thể ngồi một chỗ nhưng dễ dàng chọn và đặt mua được các sản phẩm, hàng hóa mình thích. Tuy nhiên, để sản phẩm đó đến được tay khách hàng thì cần phải có sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng hóa”, ông Hải phân tích.
Có chung quan điểm với ông Hải, ông Nguyễn Văn Tú – Tổng giám đốc Công ty Kerry TTC Express nhận định, tham gia vào lĩnh vực TMĐT, thế mạnh của các DN bưu chính là hệ thống mạng lưới rộng đã được đầu tư, phát triển trong thời gian dài, với lực lượng bưu tá, nhân viên giao nhận đông cùng đội xe vận tải lớn gồm vài trăm xe ôtô chuyên ngành. Theo ông Tú, các website TMĐT có thể tự tổ chức đội nhân viên chuyển phát hàng. Song làm theo cách này, phạm vi giao hàng thường chỉ tập trung ở một hoặc một số thành phố lớn. Còn khi người mua hàng ở các tỉnh xa, website bán hàng online vẫn phải hợp tác với các DN chuyển phát.
Trên cơ sở nhận thức rõ những tiềm năng từ mảng dịch vụ hậu cần cho TMĐT, giữa năm 2004, khối bưu chính trong VNPT (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam -VietnamPost) đã là đơn vị bưu chính đầu tiên thiết kế và cung cấp tới các khách hàng dịch vụ Phát hàng thu tiền – COD. Với dịch vụ này, DN bán lẻ và các website bán hàng trực tuyến chỉ cần chuyển thông tin về danh sách hàng hóa và người nhận, Bưu điện sẽ thay mặt khách hàng để thực hiện việc đóng gói, vận chuyển, phát hàng, thu tiền hàng của người nhận và chuyển tiền lại cho DN bán hàng.
Không lâu sau giai đoạn từ 2005-2008, hầu hết các DN bưu chính khác cũng đã mở dịch vụ COD, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu giao nhận và thanh toán hàng hóa của các website bán hàng trực tuyến.
Những năm qua, dịch vụ COD của bưu chính đã được các cá nhân, tổ chức tham gia bán hàng trực tuyến “chuộng” sử dụng. Từ năm 2008, Netco đã cung cấp dịch vụ phát hàng thu tiền cho một số trang web bán sách online. ViettelPost cũng đã nhận được đơn hàng yêu cầu cung cấp dịch vụ COD cho một số website bán hàng trực tuyến như: okay.com.vn, vio.com.vn, tvshopping.vn… và gần đây nhất là lazara.vn, thegioididong.com. Còn tại Bưu điện TP.HCM, từ năm 2010 đến nay, đã được nhiều DN bán hàng online lựa chọn là đối tác cung cấp dịch vụ COD, trong đó tiêu biểu là trang bán hàng trực tuyến bestbuy.com.vn và doanh nghiệp TMĐT mekongcom (Công ty sở hữu 2 website bán hàng online lớn: vinabook.com, hotdeal.vn – PV).
Bên cạnh đó, từ khoảng 2010 đến nay, cùng với việc đảm nhận việc cung cấp dịch vụ, vận chuyển hàng và dịch vụ COD cho các website TMĐT, một số DN bưu chính còn đầu tư thiết lập website để tự tổ chức bán hàng trực tuyến.ViettelPost triển khai bán văn phòng phẩm, quà tặng dịp Noel, lễ Tết… ngay trên trang viettelpost.com.vn. Còn Bưu điện Tiền Giang lập website postshop.com.vn bán các sản phẩm điện tử, viễn thông, tin học, sản phẩm bưu chính viễn thông của đơn vị mình. Gian hàng“Postshop Online” của Bưu điện Quảng Nam (quangnampost.com) cung cấp tới khách hàng dịch vụ điện hoa, bán máy điện thoại và sim thẻ…
Đặc biệt, nhằm tận dụng, khai thác ưu thế sẵn có về nhân lực và mạng lưới, sau hơn 2 năm triển khai thử nghiệm tương đối thành công mô hình website bán quà tặng trực tuyến (postgift.vn), quý IV/2011, Bưu điện TP.HCM đã tổ chức website kinh doanh TMĐT BuudienOnline (buudienonline.com). Nếu trước đây PostGift hợp tác cùng DN bán lẻ hàng hóa để tổ chức bán một số loại quà tặng qua mạng, thì buudienonline được thiết lập, định hướng trở thành Trung tâm TMĐT với nhiệm vụ chính là phối hợp cùng các đối tác, DN bán lẻ để triển khai bán online nhiều loại hàng hóa. Đồng thời buudienonline cho các cá nhân, tổ chức thuê “gian hàng ảo” để giới thiệu sản phẩm, bán hàng.
Doanh thu bưu chính từ TMĐT còn thấpTheo phản ánh của một số DN bưu chính chuyển phát, trong bối cảnh thanh toán trực tuyến còn hạn chế và đặc biệt là với thói quen mua sắm của nhiều người Việt Nam là muốn được “sờ tận tay, nhìn tận mắt” hàng trước khi trả tiền, dịch vụ phát hàng thu tiền (COD) đã được nhiều người lựa chọn. Bà Đặng Thị Nga – Giám đốc Bưu điện TP.HCM cho biết, khoảng 3 năm gần đây, số khách hàng là các website bán hàng trực tuyến chọn dùng dịch vụ COD của Bưu điện ngày càng tăng. Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ COD của Bưu điện TP.HCM cũng đã tăng theo.
Từ kinh nghiệm gần chục năm gắn bó với TMĐT Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình – Tổng giám đốc PeaceSoft cũng chia sẻ, vài năm trở lại đây, hoạt động TMĐT nước ta đã có những khởi sắc nhất định, dịch vụ COD được nhiều người ưa chuộng và kết quả doanh thu của các DN từ dịch vụ này đã tăng dần. “Hiện nay, có tới hơn 90% khách hàng mua hàng trực tuyến vẫn sử dụng phương thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, thông qua dịch vụ COD do các DN bưu chính cung cấp. Bởi lẽ sử dụng dịch vụ COD, họ thấy yên tâm hơn so với các phương thức thanh toán trực tuyến”, ông Bình nói.
Mặc dù vậy, theo kết quả kinh doanh dịch vụ của các DN, đến nay tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận từ các dịch vụ vận chuyển hàng hóa, phát hàng thu tiền cho website TMĐT trong tổng doanh thu, lợi nhuận của các DN bưu chính vẫn còn thấp. Đơn cử như tại ViettelPost, từ năm 2012 trở về trước, doanh thu từ dịch vụ COD chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hầu như không đáng kể trong tổng doanh thu dịch vụ chuyển phát của DN. Sang năm 2013, với việc triển khai hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ COD hỗ trợ các giao dịch TMĐT, ViettelPost cũng mới chỉ đưa doanh thu dịch vụ COD trong quý I/2013 lên chiếm gần 3% tổng doanh thu chuyển phát. Đối với Kerry TTC Express, mặc dù đã tham gia vận chuyển hàng, cung cấp dịch vụ COD cho một số website bán hàng online nhưng hiện tại mảng dịch vụ này vẫn chưa đóng góp được nhiều doanh thu, lợi nhuận cho DN.
Kết quả khiêm tốn nêu trên đã phần nào cho thấy cơ hội, tiềm năng phát triển các dịch vụ hậu cần cho TMĐT vẫn chưa được các DN bưu chính tận dụng, phát huy tốt. Do đó, hiệu quả đạt được của các DN bưu chính trong mảng dịch vụ này vẫn bị đánh giá là khá “èo uột”. Được biết, liên tiếp trong 2 năm 2011, 2012, Bưu điện TP.HCM đã đề xuất, kiến nghị VietnamPost có giải pháp giải quyết tình trạng chậm thanh toán tiền thu hộ cho các khách hàng là website bán hàng trực tuyến.
Đại diện PeaceSoft – đơn vị từ đầu tháng 10/2012 đã “bắt tay” hợp tác với 5 hãng bưu chính (gồm VNPost Express, ViettelPost, Nasco, Netco và Kerry TTC Express) để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và giao hàng thu tiền trên toàn quốc qua Cổng giao nhận, vận chuyển hàng cho TMĐT ShipChung.vn cho rằng, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của DN bưu chính trong việc phục vụ, đáp ứng các yêu cầu của TMĐT hiện nay vẫn chưa cao.
Thực tế hợp tác thời gian qua cho thấy, tuy đều là những hàng chuyển phát hàng đầu, có thương hiệu và uy tín lâu năm trong ngành, song các DN bưu chính này đôi lúc vẫn xảy ra một số sự cố, hạn chế như: thanh toán tiền thu hộ chậm, xử lý vận đơn chậm, thực hiện không đúng nội dung cam kết trong hợp đồng… Những hạn chế này khiến các doanh nghiệp TMĐT cảm thấy mệt mỏi. “Tôi cho rằng, “guồng quay” TMĐT có yêu cầu sự chuẩn xác, tính tự động hóa, chuyên nghiệp hóa rất cao. Vì thế thời gian tới, các DN bưu chính phải cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp để phục vụ khách hàng tốt hơn”, đại diện PeaceSoft nhấn mạnh.
Là dịch vụ ra đời để đón đầu xu hướng phát triển của TMĐT, dịch vụ Phát hàng thu tiền (COD) của DN bưu chính cho phép người gửi hàng có thể sử dụng kèm với các dịch vụ bưu chính khác để uỷ thác cho Bưu điện thu hộ một khoản tiền của người nhận khi phát bưu gửi, hàng hóa và chuyển trả khoản tiền đó cho người gửi.