Và cùng với làn sóng công nghệ đang tràn qua, dường như Hàng Châu (Trung Quốc) cũng ngấp nghé tham gia đội ngũ danh giá này. Bởi lẽ, công ty dịch vụ trực tuyến Alibaba cho thấy tham vọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua các dự án công nghệ của mình tại đây.
Alibaba đã hiện thực hóa một trong những tham vọng của mình, bằng việc mua lại 18% cổ phần của mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc Sina Weibo.
Thị trường bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, đạt doanh thu 210 tỉ USD trong năm 2012. Đến năm 2020, dự kiến thị trường này có thể bằng thị trường Mỹ, Nhật, Anh, Đức và Pháp hiện nay cộng lại.
Tại Trung Quốc, mặc dù chỉ có 30% dân số sử dụng internet, nhưng bán lẻ trực tuyến chiếm tới 5-6% tổng doanh số bán lẻ trong năm 2012, ngang bằng với Mỹ. Tỉ lệ lãi gộp của ngành bán lẻ trực tuyến có thể chiếm tới 8-10% doanh thu, cao hơn một chút so với bán lẻ truyền thống.
Thương mại điện tử của Trung Quốc có 2 đặc điểm. Thứ nhất, có khoảng 90% người tham gia mua bán trên các trang web như Amazon hay eBay. Trong khi đó ở Mỹ, châu Âu hay Nhật, thì ngược lại: 70% thị trường là các trang chủ độc lập của các công ty, bán hàng hóa dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng.
Thứ hai, theo hãng nghiên cứu McKinsey Global, mua hàng trực tuyến làm gia tăng việc tiêu thụ hàng hóa: mỗi đô la tiêu trực tuyến làm tăng thêm đến 40 xu doanh số bán hàng bổ sung. Phần chi tiêu gia tăng này dường như còn cao hơn tại các thành phố kém phát triển của Trung Quốc, nơi các tập đoàn bán lẻ lớn chưa vươn tới được.
Khác với thị trường bán lẻ trực tuyến của Mỹ, châu Âu hay Nhật là các trang web thành lập hệ thống phân phối và giao hàng trực tiếp cho khách hàng, các công ty Trung Quốc như Alibaba cung cấp dịch vụ thông qua hệ thống chuyển phát nhanh. Nhờ hệ thống này, các sản phẩm dịch vụ mới có thể được “phủ sóng toàn quốc” với chi phí thấp hơn đáng kể so với việc sử dụng hệ thống phân phối. Đây cũng là hình thức mà nhà bán lẻ Uniqlo của Nhật đã sử dụng rất thành công khi tham gia thị trường Trung Quốc năm 2009.
Như vậy, các nhà sản xuất mới hoàn toàn có thể tự tin tham gia thị trường bán lẻ nước này thông qua kênh phân phối chuyển phát nhanh. Không chỉ vậy, thông qua việc khuyếch trương tên tuổi trên hệ thống bán lẻ trực tuyến, các thương hiệu mới cũng sẽ có vị trí đáng kể về nhận diện thương hiệu mà không tốn nhiều chi phí.
Dịch vụ bán lẻ trực tuyến đã góp phần phát triển bộ mặt đô thị và tác động đáng kể lên các hoạt động giải trí, vì giờ đây mua sắm trực tuyến đã thu hẹp khoảng cách địa lý. Trên thế giới, các hệ thống cửa hàng và khu mua sắm thường tập trung tại trung tâm thành phố. Nhưng ở Trung Quốc, trước sự phát triển mạnh mẽ của việc “mua bán từ xa”, các khu mua sắm giải trí có thể được phát triển ở ngoại vi hoặc các địa điểm ngoài trung tâm các thành phố.
Các thị trường mới nổi tương tự hoàn toàn có thể đi theo con đường của Trung Quốc. Và Việt Nam là một ví dụ điển hình. Một số nhà bán lẻ trực tuyến của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hệ thống chuyển phát nhanh để mở rộng phân phối ra các tỉnh mà không cần phải xây trụ sở, thuê nhân viên như ngành bán lẻ truyền thống.
VECOM