Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết tính đến tháng 8, Công ty đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm qua EU với trị giá khoảng 31 triệu USD, tăng lần lượt 8% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tín hiệu tốt 

Nhiều doanh nghiệp cũng có tình hình lạc quan như Thuận Phước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), số lượng đơn hàng sang thị trường EU từ đầu tháng 8 đến nay tăng khoảng 10% so với tháng 7. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh khiến ngành thủy sản lao đao trong quý I.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,62 tỉ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Kết thúc quý này, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đều có kết quả kinh doanh khá thất vọng, trong đó có những cái tên quen thuộc như Vĩnh Hoàn (VHC), Thủy sản Cửu long An Giang (ACL), Sao Mai (ASM), Nam Việt (ANV), Thủy sản Minh Phú (MPC)…

Tuy nhiên, với đà tăng liên tiếp vài tháng gần đây, các chuyên gia bắt đầu tin vào xu hướng bật tăng trở lại trong quý III và quý IV của ngành thủy sản, với những “nhịp sóng đảo chiều” so với quý I.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 7 đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu đáng mừng khi xuất khẩu thủy sản tiếp tục phục hồi trong tháng 7 sau khi tăng 0,3% hồi tháng 6. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,4 tỉ USD, giảm 6% so với cùng kỳ.

Mỹ tiếp tục là thị trường tiềm năng khi xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 7 tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 184,35 triệu USD. Đồng thời, trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 838,44 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU có dấu hiệu cải thiện, chỉ giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi các tháng trước đó, con số giảm đều ở mức trên 18%. Về cá tra, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này từ Trung Quốc đã phát đi những tín hiệu khá tích cực, với nhu cầu tăng mạnh từ tháng 3 đến nay. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5.2020 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 45.500 tấn, trị giá 125,1 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với tháng 4.2020.

Tiến vào chu kỳ bền vững hơn

“Ngành thủy sản sẽ dần hồi phục vào quý III và quý IV, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26-8,3 tỉ USD”, đại diện VASEP đưa ra dự báo. Cũng theo đánh giá của VASEP, do tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và các nước vẫn diễn biến phức tạp nên thị trường sẽ chưa thể ổn định, đặc biệt là ASEAN hay Nhật… Dự kiến xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ bảo quản như cá ngừ đóng hộp, đóng túi sẽ tiếp tục tăng.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Theo nhiều chuyên gia, những nguyên nhân chính khiến triển vọng ngành thủy sản ngày càng tích cực có thể tính đến các yếu tố như (1) Việt Nam khống chế khá thành công tình hình dịch bệnh COVID-19, qua đó tạo độ sớm nhất định với việc củng cố sản xuất và mở cửa thị trường so với các đối thủ truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador…; (2) hàng loạt hiệp định như CPTPP và EVFTA sẽ giúp các sản phẩm như cá tra và tôm cạnh tranh tốt hơn ở châu Âu và Mỹ; (3) sự phục hồi của các thị trường bạn hàng lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Lý giải về nguyên nhân ngành thủy sản sẽ vươn xa hơn, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, phân tích: “Hiện nay, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã gia tăng đáng kể. Nhất là khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách chống dịch quyết liệt, quyết tâm, kịp thời ngăn chặn COVID-19 lây lan”.

Theo KB Securities, xuất khẩu cá tra sẽ bật tăng trở lại trong quý IV, với tác động tích cực từ thị trường Trung Quốc và Mỹ. “Sản lượng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng trưởng dương trong quý II khi thị trường mở cửa trở lại. Tại thị trường Mỹ, sản lượng xuất khẩu phục hồi khi thị trường mở cửa lại và tăng nhập tồn kho, các đơn hàng bị hoãn trong quý II sẽ tăng mạnh sản lượng xuất khẩu trong quý III và có thể tiếp tục sang kỳ lễ hội trong quý IV”, báo cáo “Thủy sản Việt Nam: Sự đảo chiều chờ đợi đã lâu” của KB Securities nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng tin rằng chu kỳ sắp tới của ngành thủy sản Việt Nam sẽ bền vững hơn so với chu kỳ trước đây, khi ngành này đang tiệm cận tích cực với hàng loạt chuẩn quốc tế về chăn nuôi, xuất xứ, an toàn thực phẩm… Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển dịch từ cung cấp sản phẩm đông lạnh thô và sơ chế sang sản phẩm chế biến và giá trị gia tăng. Tính đến năm 2019, thủy sản Việt Nam đã đạt hàng loạt chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, BAP, ASC…

Các doanh nghiệp thủy sản niêm yết mà bị ảnh hưởng bởi COVID-19, khiến thị giá cổ phiếu neo ở mức định giá thấp, có thể quyết định đầu tư mua vào hợp lý tại vùng giá thấp và chờ đợi mức tăng trưởng khả quan về giá khi chu kỳ ngành thủy hải sản hoàn toàn hồi phục. Theo đó, các chuyên gia đầu tư đưa ra khuyến nghị khá tích cực với các mã có cốt lõi kinh doanh tốt như VHC, NVC, MPC…

“Có lợi nhất khi xuất khẩu cá tra đảo chiều do chiếm thị phần đáng kể tại Mỹ nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội và không chịu thuế chống bán phá giá”, KB Securities đưa ra nhận xét về VHC. Mức giá mục tiêu phù hợp mà các công ty chứng khoán đưa ra là 47.100 đồng/cổ phiếu, kèm khuyến nghị cho rằng đây là lựa chọn hàng đầu. Với các mã chứng khoán khác, KB Securities đưa ra mức giá mục tiêu 21.700 đồng/cổ phiếu đối với mã ANV và 31.700 đồng/ cổ phiếu đối với mã MPC.

https://nhipcaudautu.vn