Đinh Thị Mỹ Loan
Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 (nghiên cứu điển hình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh)”.
Trong suốt 20 năm qua, mặc dù ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ Việt Nam đã hình thành và đạt những thành tựu rất đáng ghi nhận về nhiều mặt, cũng còn rất nhiều khó khăn, bất cập, thách thức trên con đường phát triển trong một thế giới thay đổi, biến động không ngừng, với sự phát triển nhanh chóng và sâu rộng của khoa học – kỹ thuật và công nghệ.
Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội trên toàn thế giới và việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.
Riêng đối với ngành dịch vụ bán lẻ, sự cần thiết phải ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và vượt qua thách thức của thị trường thời sáng tạo và công nghệ đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ trên khắp thế giới phải thay đổi để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Nếu không thích ứng, nếu “chậm chạp” ứng dụng nền tảng Công nghiệp 4.0 (như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây, …), doanh nghiệp bán lẻ Việt không thể phát triển, thậm chí có thể bị đào thải khỏi thị trường.
Tuy nhiên, nhận thức, hiểu biết và đặc biệt là trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế về ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 của đại đa số các doanh nghiệp trong ngành phân phối – bán lẻ Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn còn hết sức hạn chế.
Điều này được lý giải bởi bán lẻ là ngành công nghiệp dịch vụ còn khá non trẻ với tuyệt đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ và các hộ kinh doanh (hơn hai triệu hộ tại thời điểm năm 2018) và đặc thù của thị trường bán lẻ Việt Nam với hơn 70% là bán lẻ truyền thống (các loại chợ và cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ …), nơi tiếp cận và ứng dụng trong thực tế các công nghệ của Công nghiệp 4.0 không hề đơn giản và dễ dàng do các khó khăn, yếu kém, bất cập … từ nhiều phía, đặc biệt là hạn chế về năng lực, cả năng lực tài chính, năng lực về công nghệ, máy móc, thiết bị và nhất là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu cao của Công nghiệp 4.0.
Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 (nghiên cứu điển hình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh)”được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá nhu cầu ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào ngành bán lẻ Việt Nam và mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ Việt Nam (các định dạng bán lẻ chính của bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại)… Từ đó, đề xuất các giải pháp phát triển ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.
Sử dụng các phương pháp nghiên cứu tại bàn; tổng hợp, thống kê, xử lý số liệu; khảo sát; phân tích định tính, Đề tài nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu các nội dung gồm: (i) Tổng quan về hệ thống bán lẻ Việt Nam (Thị trường bán lẻ Việt Nam tiềm, Sự vươn mình mạnh mẽ của thương mại điện tử, Cạnh tranh giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, Thách thức nghiêm trọng từ Đại dịch… Xu hướng phát triển mới của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam và Công nghệ tiếp tục thay đổi ngành bán lẻ); (ii) Tổng quan về ứng dụng công nghệ 4.0 trong hệ thống bán lẻ trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; (iii) Đánh giá thực trạng và phân tích nhu cầu về ứng dụng nền tảng công nghiệp 4.0 trong ngành bán lẻ tại Việt Nam và mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ 4.0 của bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại; (iv) Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển ngành bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ cách mạng 4.0
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp đã được tiến hành bước đầu và đạt được một số kết quả nhất định trên cơ sở có nhiều thuận lợi từ các điều kiện:
Thứ nhất, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương chính sáchchủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thứ hai, Mạng lưới liên kết thương mại toàn cầu liên tục được bổ sung và hỗ trợ bởi các giải pháp công nghệ, phá vỡ các rào cản không gian và thời gian.
Thứ ba, Tốc độ thay đổi và cập nhật của công nghệ tác động lên xã hội và người tiêu dùng khiến doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi các phương thức tiếp cận và phục vụ để đảm bảo việc phát triển.
Căn cứ vào các kết quả phân tích, đánh giá qua khảo sát về doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các nguồn lực của doanh nghiệp, có thể cho thấy nhu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 của doanh nghiệp như sau:
– Nhu cầu ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp là khác nhau nhưng nhìn chung là cao, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Nhu cầu tinh gọn trong quản trị nhân sự thời cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi việc sử dụng các phần mềm thông minh có kết nối dữ liệu tích hợp với các thiết bị theo dõi, kiểm soát, quản trị.
– Nhu cầu ứng dụng các giải pháp tiếp cận, bán hàng, thanh toán từ phía nhà bán lẻ để đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ không ngừng thay đổi của người tiêu dùng.
– Hoạt động bán lẻ bao gồm phân tích nhu cầu thị trường, bán hàng, chăm sóc khách hàng, lưu kho và logistics trong thời đại công nghiệp 4.0 làm tăng nhu cầu ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
– Mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng được mở rộng với các thành tố hỗ trợ như ngân hàng, đơn vị giao vận, mạng xã hội… cần có sự tương thích về công nghệ. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ trở thành một thành phần của mạng lưới có sử dụng chung những nền tảng công nghệ 4.0 như blockchain, điện toán đám mây…
Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp về việc ứng dụng các giải pháp lại ở mức thấp do gặp một số những khó khăn, hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất,khả năng tiếp cận với chính sách về ngành bán lẻ, sự hỗ trợ về chuyển đổi số ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thấy rõ vai trò của Nhà nước trong các chương trình hỗ trợ.
Thứ hai,nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu làm chủ các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.
Thứ ba,điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn của đa số doanh nghiệp còn hạn hẹp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thứ tư,các chương trình đào tạo, phổ biến thông tin chưa được phổ biến và cập nhật kịp thời.
Về phía người tiêu dùng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với việc ứng dụng công nghệ 4.0 rất lớn và đa dạng. Trong bối cảnh mới, người tiêu dùng nhanh chóng cập nhật, thích nghi với các giải pháp công nghệ rất nhanh, đồng thời tốc độ thay đổi công nghệ của thế giới khiến các hành vi mua sắm cũng thay đổi.
Người tiêu dùng hiện có nhận thức khá tốt về các lĩnh vực công nghệ 4.0, nhất là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, IOT và dữ liệu lớn. Khả năng nhận thức ở mức độ cao của người tiêu dùng về công nghệ tại các thành phố lớn sẽ cao hơn ở các địa phương khác. Đồng thời, người tiêu dùng có nhận thức sâu sắc về công nghệ 4.0 sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp ngành bán lẻ có sự chuyển đổi, nâng cấp để thích ứng.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, Đề tài đã đưa ra các giải pháp phát triển ngành bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ cách mạng 4.0 cụ thể gồm:
(1) Các giải pháp từ phía cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ
-Nâng cao nhận thức cho cộng đồng các nhà bán lẻ, đặc biệt là nhà bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ… thông qua các kế hoạch, chương trình của Nhà nước và các Hiệp hội, của bản thân các doanh nghiệp.
– Ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động.Phải coi công nghệ là yếu tố sống còn và ý thức được thay đổi là cần thiết và liên tục phải thay đổi … các giải pháp phải xuất phát và được xây dựng từ yêu cầu thực tiễn, đi từ nhận thức đến hành động cụ thể của doanh nghiệp.
– Ứng dụng công nghệ 4.0 thích hợp với từng doanh nghiệp, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi và không lãng phí nguồn lực tài chính cũng như con người.
– Giải pháp về nguồn nhân lực: Các nhà bán lẻ nên có đội ngũ nhân sự phụ trách công nghệ thông tin và ngân sách phát triển công nghệ thông tin. Thành công không đến nếu chúng ta thiếu tập trung, thiếu chuẩn bị và không ưu tiên nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số.
– Giải pháp cho vấn đề Logistics: Người tiêu dùng luôn mong muốn được giao hàng nhanh chóng nhất có thể… và bán lẻ cũng không còn bị giới hạn bởi biên giới quốc gia nữa, tầm quan trọng của logistics trong bán lẻ càng tăng, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải hợp lý hóa chuỗi cung ứng của mình, hoàn thiện các phương thức vận chuyển và đảm bảo giao hàng nhanh chóng để giảm tối đa chi phí logistics và hiệu quả dịch vụ bán lẻ.
– Giải pháp “Thấu hiểu NTD” trong thời đại mới: “Thấu hiểu người tiêu dùng” phải được coi là nền tảng dẫn đến thành công của mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà bán lẻ.
(2) Các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0 từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
– Có mục tiêu dài hạn, hướng đi cụ thể và có lộ trình gắn liền với xu thế phát triển của thương mại điện tử và ứng dựng hiệu quả thành tựu từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh bán lẻ để phát triển bền vững thị trường bán lẻ trong nước.
– Xác định rõ vị trí và vai trò của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân thể hiện qua chính sách – pháp luật của Nhà nước và các hoạt động hỗ trợ hợp lý và thích đáng cho ngành bán lẻ, phù hợp với các cam kết quốc tế tại WTO và các FTA thế hệ mới.
– Có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại nói chung và hạ tầng thương mại bán lẻ nói riêng; đa dạng hóa các phương thức bán lẻ; khuyến khích và hỗ trợ các hình thức đổi mới và sáng tạo trong ứng dụng công nghệ 4.0 trên thị trường bán lẻ. Cần có các hạ tầng công nghệ phù hợp, bắt kịp với sự phát triển của thế giới để đảm bảo việc triển khai thông suốt các giải pháp ứng dụng.
– Tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ được tham gia sâu và dài hạn vào các chương trình chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp ngành bán lẻ; các chương trình đào tạo, tiếp cận công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn, được hỗ trợ trong đào tạo và nâng cấp nguồn nhân lực có đủ các kỹ năng khai thác, sử dụng các công nghệ để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong thời kỳ mới.
– Có chính sách khuyến khích ứng dụng các công nghệ 4.0 (đặc biệt là AI, Robot, …) cho cả lĩnh vực logistics nói chung và logistics cho thị trường bán lẻ nói riêng, và triển khai xây dựng các trung tâm phân phối, trung tâm logistics, hệ thống kho lạnh, cải thiện tình trạng chi phí logistics quá cao làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng như của các doanh nghiệp Việt, trong đó có các nhà bán lẻ.
(3) Giải pháp từ phía người tiêu dùng
Là nhân tố quan trọng quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng, người tiêu dùng cần nhận thức rõ và biết sử dụng quyền của mình để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân và tham gia có trách nhiệm trong phát triển thị trường bán lẻ, phát triển kinh tế, xã hội và đất nước.
(4) Giải pháp từ phía truyền thông đại chúng: Các phương tiện truyền thông đại chúng cần đóng vai trò là kênh thông tin hữu hiệu cung cấp kiến thức về CMCN 4.0 giúp doanh nghiệp, mọi tầng lớp xã hội tiếp cận, hiểu về bản chất CMCN 4.0 nói chung và công nghệ 4.0 ứng dụng trong ngành bán lẻ nói riêng, cũng như giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách liên quan thích hợp để phát triển ngành dịch vụ bán lẻ.