Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/1 đã chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một động thái bị cho là đẩy nước Mỹ ra xa khỏi các đồng minh ở châu Á ngay giữa lúc ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng gia tăng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và sắc lệnh được ông ký ngày 23/1 về rút Mỹ khỏi TPP – Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, thực hiện lời hứa của mình về rút khỏi thỏa thuận tự do thương mại gồm 12 quốc gia thành viên được ký kết hồi năm 2015, ông Trump đã đặt bút ký vào sắc lệnh về ra khỏi TPP tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Tân Tổng thống, người có chủ trương thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp của Mỹ, tuyên bố ông muốn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại song phương với từng quốc gia. Ông cũng muốn những thỏa thuận này cho phép Mỹ có thể chấm dứt thỏa thuận trong vòng 30 ngày “nếu ai đó hành động sai”.

“Chúng ta sẽ chấm dứt những thỏa thuận thương mại nực cười khiến đất nước của chúng ta mất việc làm và các công ty đi khỏi nước Mỹ”, ông Trump phát biểu trong cuộc gặp với giới lãnh đạo công đoàn tại Phòng Roosevelt của Nhà Trắng.

TPP, thỏa thuận được giới doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ, được đàm phán bởi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhưng chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Thỏa thuận này là trụ cột kinh tế chính trong chiến lược của ông Obama về xoay trục về phía châu Á-Thái Bình Dương nhằm tạo đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc.

Từ cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã làm dấy lên sự lo ngại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng sự phản đối mạnh mẽ nhằm vào TPP và chủ trương đòi các đồng minh của Mỹ phải san sẻ nhiều hơn gánh nặng tài chính cho việc đảm bảo an ninh cho các nước này.

Tuy nhiên, lập trường của ông Trump về thương mại “đánh trúng” tâm lý của nhiều người dân Mỹ cho rằng các thỏa thuận thương mại quốc tế khiến Mỹ mất việc làm. Đảng Cộng hòa từ lâu vẫn giữ quan điểm cho rằng tự do thương mại là điều bắt buộc, nhưng quan điểm đó đã có sự thay đổi.

Theo ông Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington cho rằng, với việc rút khỏi TPP, ông Trump giờ đây phải tìm một cách khác để trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á.

“Điều này có thể bao gồm nhiều thỏa thuận tự do thương mại song phương. Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam nên được tiếp cận đầu tiên bởi đây là những đối tác then chốt trong bất kỳ chiến lược châu Á mới nào mà ông Trump có thể khởi xướng”, ông Kazianis nói.

Tổng thống Trump cũng đang có kế hoạch đàm phán lại Thỏa thuận Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico nhằm giành được những điều khoản hấp dẫn hơn cho Mỹ. Phát biểu trước báo giới ngày 23/1, Trump nói ông sẽ sớm gặp lãnh đạo hai nước trên để khởi động tiến trình đàm phán lại thỏa thuận.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto ngày 23/1 tuyên bố ông sẽ nỗ lực duy trì thương mại tự do theo NAFTA trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Ông Pena Nieto cũng nói sẽ ngay lập tức tìm cách đạt thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia thành viên TPP.

Theo Vneconomy