Sau khi có chỉ thị về việc cách ly toàn xã hội thì nhiều siêu thị và chợ tại TPHCM đã vắng khách hơn vì người dân hạn chế ra ngoài. Một số khu chợ tạm, chợ cóc đã buộc phải “giải tán”.
Nhiều siêu thị tại TPHCM vắng vẻ sau chỉ thị cách ly toàn xã hội. Ảnh: Đại Việt
Tại siêu thị BigC Miền Đông trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), không khí mua sắm của người dân diễn ra thong thả. Lượng người đến siêu thị không đông đúc như ngày bình thường. Người dân đều mua hàng hóa với số lượng vừa phải, không có tình trạng mua quá nhiều về tích trữ.
Chị Ngọc Mai (ngụ đường Lữ Gia, quận 11) cho biết, chị tranh thủ đi siêu thị mua thêm thịt, cá, rau xanh ăn trong tuần rồi cuối tuần lại đi mua tiếp về dùng.
“Có dịch thì nhà tôi cũng chỉ mua đồ ăn đủ dùng trong 4 – 5 ngày thôi. Chúng tôi không có thói quen tích trữ nhiều vì thức ăn để lâu quá cũng không còn chất lượng. Siêu thị mở cửa hàng ngày, việc gì phải mua nhiều”, chị Mai nói.
Tại các quầy hàng, mỗi khi hàng hóa vơi đi thì nhân viên siêu thị ngay lập tức bổ sung hàng mới. Chính vì vậy, các quầy hàng luôn đầy ắp các sản phẩm để người dân lựa chọn.
Tại khu vực tính tiền, mỗi quầy chỉ có từ 2 – 3 người xếp hàng, không có cảnh xếp hàng “rồng rắn” như bình thường. Siêu thị cũng đánh dấu ký hiệu “bàn chân” tại vị trí đứng chờ tính tiền để đảm bảo khách hàng đứng cách nhau 2m. Các quầy thu ngân cũng được trang bị thêm một lớp kính che chắn để đảm bảo sự an toàn cho nhân viên và khách hàng.
Không chỉ siêu thị BigC, nhiều siêu thị khác tại TPHCM như Co.opMart, Co.opXtra, Vinmart đều có lượng khách đến mua thưa thớt hơn ngày bình thường.
Đại diện một siêu thị Co.opMart tại quận 3 chia sẻ, sau khi có chỉ thị cách ly toàn xã hội thì lượng khách đến siêu thị có phần giảm hơn trước. Nguyên nhân là do người dân đã có tâm lý bình tĩnh trước dịch bệnh, không hoang mang và đi mua nhiều hàng hóa như trước. Người dân ngày càng hạn chế ra ngoài hơn, kể cả việc mua sắm.
“Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn và hoạt động bình thường mỗi ngày để phục vụ người dân nên mọi người hãy yên tâm”, đại diện siêu thị trên nói.
Đại diện hệ thống VinMart và VinMart+ cũng cho biết, đơn vị này cũng luôn khuyến cáo khách hàng khi đến các hệ thống siêu thị này phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, dùng nước rửa tay trước và sau khi mua hàng. Nếu khách hàng không hợp tác hoặc không đảm bảo điều kiện sức khỏe thì siêu thị sẽ từ chối phục vụ.
“Nhiều khách hàng không muốn mua sắm nơi đông người thì chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ việc đặt hàng online hoặc qua điện thoại. Những dịch vụ này sẽ được đẩy mạnh hơn từ ngày 1/4. Chúng tôi cam kết cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm như gạo, thịt, mì gói, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh… với giá bình ổn”, đại diện hệ thống VinMart chia sẻ.
Nhiều khu chợ truyền thống cũng vắng vẻ hơn bình thường. Ảnh: Đại Việt
Tại các chợ truyền thống như chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hải (quận Tân Bình), lượng người dân đến mua sắm cũng rất thưa thớt. Các quầy hàng đều vắng khách.
Anh Trần Thắng, tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Hòa Hưng cho biết, lượng khách đi chợ chỉ bằng một nửa so với bình thường. Ngày 1/4, gia đình anh chỉ bán được khoảng 70kg rau củ các loại. Trong khi đó, ngày bình thường, gia đình anh phải bán từ 120 – 130kg rau củ.
Nhiều tiểu thương ở chợ Hòa Hưng và các chợ khác cũng chung cảnh ngộ như gia đình anh Thắng vì chợ vắng khách.
Tại một khu chợ tạm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), số người dân đi chợ chỉ “lác đác” khoảng chục người. Trong khi đó, những ngày bình thường, khu chợ này có cả ngàn người đến mua sắm, kinh doanh.
Nguyên nhân là do chính quyền địa phương đã yêu cầu chấm dứt hoạt động của khu chợ này nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh. Hàng trăm người bán hàng “lưu động” đã giải tán, chỉ một số ít tiểu thương có thuê mặt bằng còn “bám trụ” lại bên trong khu chợ.
Theo UBND TPHCM, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tại thành phố vẫn hoạt động bình thường. Thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, đảm bảo mua sắm của người dân. UBND thành phố cũng đề nghị người dân chấp hành nghiêm yêu cầu không tập trung đông người, không ra khỏi nhà khi cần thiết.
Trước đó, Sở Công Thương TPHCM đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông cũng như UBND 24 quận, huyện trong thành phố.
Theo Sở Công Thương, các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường kể từ ngày 1/4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Các đơn vị kinh doanh đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Sở Công Thương cũng đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế (đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người) và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Sau đây là một số hình ảnh do PV Dân trí ghi nhận:
Người mua thưa thớt nhưng hàng hóa phục vụ người dân luôn dồi dào. Ảnh: Đại Việt
Nhân viên siêu thị liên tục bổ sung hàng hóa mới lên kệ. Ảnh: Đại Việt
Khu vực tính tiền của siêu thị BigC lắp thêm một tấm kính để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng. Ảnh: Đại Việt
Đại Việt