Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng đang mong muốn sử dụng những sản phẩm/hàng hóa của các công ty/doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm đối với các vấn đề về xã hội, hỗ trợ phát triển cộng đồng và môi trường.

Trong hơn 27 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều tăng trưởng trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Với những lợi thế của mình, doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những vị thế cao trên thị trường quốc tế. Điều này đã giúp cho những doanh nghiệp này thu hút thêm được hàng triệu khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu, tuy nhiên điều mà doanh nghiệp phải đối mặt là sự cạnh tranh gay gắt hơn từ môi trường quốc tế và việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, được gọi tắt là CSR, là một khái niệm trong quản lý kinh doanh, theo đó doanh nghiệp sẽ áp dụng những chính sách hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. CSR là công cụ quan trọng mà doanh nghiệp sử dụng để thu hút khách hàng mới và tăng số lượng khách hàng trung thành, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp và củng cố việc tuân thủ các chính sách trong nước và quốc tế đồng thời đảm bảo việc quản lý rủi ro. CSR còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đạt được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương, qua đó thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng về buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Trong đó, Việt Nam được xem là quốc gia trung chuyển, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã. Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ các hành vi trái phép trên khi hơn 700 giống loài sinh sống tại đây đang có nguy cơ tuyệt chủng và một số loài động vật hoang dã như tê giác Java, từng cư trú tại Vườn Quốc gia Cát Tiên – đã hoàn toàn tuyệt chủng vì nạn săn bắn trái phép. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam như sừng tê giác, da hổ, thịt và vẩy tê tê vẫn tiếp tục là ba trong số những động lực chính dẫn đến cuộc khủng hoảng săn bắn động vật hoang dã trái phép trên toàn cầu hiện nay.

Doanh nhân Việt Nam và doanh nghiệp của mình có vai trò quan trọng trong việc thay đổi quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp về hành vi tiêu thụ và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã thông qua việc áp dụng những chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hướng tới bảo tồn thiên nhiên hoang dã trong đó có bảo vệ động, thực vật hoang dã.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, Mạng lưới giám sát động, thực vật hoang dã – Tổ chức TRAFFIC đã phối hợp với nhiều tổ chức xã hội dân sự bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) soạn thảo và ban hành Sách hướng dẫn thực hiện trách nhiệm xã hội lồng ghép các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Tài liệu này là một công cụ hiệu quả nhằm thúc đẩy sự thay đổi hành vi và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp cam kết thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.

Anh kem bai viet

Hàng nghìn lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu áp dụng chính sách trách nhiệm xã hội lồng ghép các nội dung về bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Dưới sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn 11.000 doanh nhân đã được cung cấp các thông tin và kỹ năng cần thiết trong việc xây dựng chính sách trách nhiệm doanh nghiệp đối với các vấn đề về môi trường thông qua 250 khóa đào tạo tại 45 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam quản lý rủi ro doanh nghiệp nhằm tránh liên quan đến các hành vi vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Qua đó, góp phần ngăn chặn các hình thức phạm tội vận chuyển hàng hóa trái phép đặc biệt là động, thực vật hoang dã. Một tổ chức xã hội dân sự khác, Hiệp hội Thương mại Điện tủ Việt Nam cũng đang thể hiện vai trò tiên phong trong việc định hướng cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam trong việc đấu tranh chống lại các hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép qua mạng điện tử, cụ thể tiến tới ngặn chặn các kênh buôn bán trái phép trực tuyến.

Để tạo nên những sự thay đổi cho môi trường thiên nhiên và vì sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp trong Ngày Môi trường Thế giới năm nay, hãy là những nhà lãnh đạo đấu tranh chống lại các hành vi buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã. Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ Chị Đinh Thị Minh Thu – Tổ chức TRAFFIC: [email protected].

 

                                                                                    Tổ chức TRAFFIC Việt Nam