Ông Yano mở chuỗi bán lẻ đồng giá 100 Yên mang tên Daiso ở Nhật vào năm 1991…
Ông Hirotake Yano, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Daiso Sangyo Corp. – Ảnh: Daiso Sangyo/Bloomberg.
Bán những vật dụng hàng ngày với mức giá rẻ đã đưa ông chủ của chuỗi cửa hàng đồng giá lớn nhất Nhật Bản thành tỷ phú.
Ông Hirotake Yano, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Daiso Sangyo Corp. – công ty tự xưng là “xứ sở diệu kỳ cho mua sắm ở Nhật” – là một trong người đầu tiên áp dụng mô hình đồng giá ở nước này. Đây cũng chính là chiến lược giúp ông Yano xây dựng được khối tài sản ròng cá nhân được Bloomberg ước tính ở mức 1,9 tỷ USD.
“Cách tính toán thời điểm của ông ấy thật hoàn hảo”, chuyên gia Pascal Martin thuộc công ty tư vấn OC&C Strategy Consultants nhận xét. “Việc mở cửa hiệu đồng giá 100 Yên đầu tiên vào năm 1991, chỉ hai năm sau khi bong bóng kinh tế Nhật vỡ tung, là sự khởi đầu cho một sự dịch chuyển sâu sắc trong văn hóa tiêu dùng Nhật Bản”.
Con đường kinh doanh của tỷ phú Yano không hề bằng phẳng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Chuo ở Tokyo, ông đã trải qua nhiều nghề khác nhau, bao gồm điều hành công ty kinh doanh cá của người cha vợ cho tới khi công ty này lâm vào cảnh phá sản.
Yano bắt đầu nghề bán hàng rong trên xe tải vào năm 1972 và lóe lên ý tưởng đưa ra mức giá 100 Yên cho tất cả các mặt hàng nhằm tiết kiệm thời gian phải bỏ ra để gắn mác giá. Năm 1977, ông thành lập Daiso – từ tiếng Nhật có nghĩa là “tạo ra thứ gì đó to lớn”.
Tiền lương trì trệ và một nền kinh tế đi xuống đã kéo theo sự thay đổi căn bản trong xu hướng tiêu dùng của người Nhật những thập kỷ gần đây: họ muốn tìm kiếm giá trị lớn hơn cho số tiền bỏ ra. Điều này đã chứng tỏ là một cơ hội vàng cho ngành bán lẻ giá rẻ ở Nhật.
Theo một báo cáo vào tháng 3/2016, ngân hàng Thụy Sỹ UBS nói rằng ngành bán lẻ giá rẻ ở Nhật có doanh thu hàng năm khoảng 600 tỷ Yên, tương đương khoảng 5,4 tỷ USD.
Trong đó, Daiso là công ty lớn nhất, với tổng cộng hơn 3.150 cửa hiệu tại Nhật và 1.800 cửa hiệu ở nước ngoài. Doanh thu của công ty bán lẻ có trụ sở ở Hiroshima này đạt 420 tỷ Yên trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2017 đạt mức 420 tỷ Yên, so với mức 81,8 tỷ Yên vào năm 1999.
Ông Yano không phải là tỷ phú duy nhất trong ngành bán lẻ giá rẻ ở Nhật. Giá cổ phiếu của Seria Co., công ty lớn thứ hai trong ngành này ở đất nước mặt trời mọc, đã tăng 39% kể từ đầu năm đến nay, đưa giá trị cổ phần 37% do nhà sáng lập là ông Hiromitsu Kawai và gia đình tăng lên mức 1,3 tỷ USD.
Ra đời năm 1987, Seria muốn giành lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thông qua một hệ thống quản lý hàng tồn kho hiệu quả. Trong khi đó, Daiso nhấn mạnh vào số lượng hàng bán để thúc đẩy lợi nhuận.
Daiso hiện bán khoảng 70.000 mặt hàng gia dụng, từ cây lăn ngón tay, đầu ma-nơ-canh, quần áo thú cưng, bọc chân ghế, túi đựng truyện tranh… Doanh thu của Daiso tăng 6,3% trong tài khoán 2017, so với mức tăng trưởng doanh thu 11% của Seria.
Yano cho rằng thành công mà ông có được chủ yếu là nhờ sự sắc sảo trong việc tìm nguồn hàng. Điều này giúp Daiso vừa có những mặt hàng chất lượng cao bên cạnh những món đồ khác lạ mà nhiều khách hàng bắt buộc phải có. Tất cả các sản phẩm đều có mức giá là 100 Yên, tương đương khoảng 1 USD, mỗi món.
Bộ phận mua hàng của Daiso làm nhiệm vụ đàm phán trực tiếp với nhà sản xuất để đặt mua số lượng lớn với mức giá thấp, một chiến lược tương tự như cách làm của tập đoàn Mỹ Wal-Mart, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới.
Cho dù nền kinh tế Nhật đã có sự khởi sắc, với 5 quý tăng trường liên tiếp – chuỗi tăng trưởng dài nhất trong 1 thập kỷ – tâm lý đi tìm những món hàng giá rẻ vẫn ăn sâu bám rễ trong tâm lý người tiêu dùng nước này.
“Người Nhật bây giờ muốn tiết kiệm nhiều hơn”, nhà phân tích Kousuke Narikiyo của ngân hàng Nomura nhận xét. “Họ sẽ không từ bỏ thói quen mua hàng giá rẻ mà họ đã hình thành trong 20 năm qua”.