Các nhà bán lẻ đang nỗ lực hết mình tạo điều kiện để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm với giá ưu đãi, qua đó dần trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19 và đón chào mùa Lễ hội cuối 2021. Tạp chí Thương Trường xin giới thiệu bài viết của TS. Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhằm giúp bạn đọc thấy được những nét mới của mùa mua sắm cuối năm 2021.
Chúng ta đang đến dần những ngày cuối của tháng 11/2021 và mùa Lễ hội, mùa mua sắm cuối năm 2021 đã cận kề. Đây là thời điểm được người tiêu dùng khắp nơi mong chờ và đây cũng là thời điểm tăng trưởng bứt phá của ngành dịch vụ bán lẻ nói chung, trong đó có mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới nói riêng.
Có thể sẽ có người nói: “Ôi, năm nào chẳng như năm nào, mùa mua sắm cuối năm bao giờ cũng diễn ra với đủ các loại lễ hội, các hoạt động kích cầu, khuyến mại… Có gì khác nhau đâu?” Nhưng thực sự chưa chắc bạn ơi, năm 2021 này chúng ta sẽ có một mùa mua sắm cuối năm với rất nhiều điểm mới và khác biệt đấy.
Nhận định về Holiday Shopping 2021, đã có ý kiến cho rằng, mùa mua sắm cuối năm nay có vẻ như sẽ có một khởi đầu không mấy nhộn nhịp, tưng bừng như mọi khi do tình trạng COVID-19 đang có những diễn biến, những khúc ngoặt bất ngờ và hết sức phức tạp trên bình diện toàn thế giới cũng như ở từng quốc gia, từng lãnh thổ.
Sau hơn một năm sống chung với loại virus chết người, với các đợt cách ly và giãn cách xã hội, hạn chế chặt chẽ việc tiếp xúc, tụ tập đông người, người dân khắp nơi đang mong mỏi có một mùa mua sắm sôi động, tưng bừng,… nhưng chúng ta vẫn cần luôn cảnh giác. Từ góc độ các nhà bán lẻ, ngay cả khi mọi người đã được tiêm phòng đầy đủ và thị trường dần mở lại bình thường, họ vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong mùa mua sắm cuối năm này, từ bùng nổ số lượng người mua sắm, tình trạng thiếu lao động cho đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều đáng mừng là sức mua của người dân bắt đầu tăng dần sau thời gian giãn cách xã hội mặc dù sức mua được dự báo khó bùng nổ như mọi năm. Các nhà bán lẻ đang nỗ lực hết mình nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm với giá ưu đãi, qua đó dần trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19 và đón chào mùa Lễ hội cuối 2021.
Chúng ta cùng điểm qua một số nét mới của mùa mua sắm cuối năm 2021:
Nhu cầu mua sắm cao điểm dịp cuối năm và Tết cổ truyền của dân tộc vẫn sẽ là kỳ vọng lớn nhất của thị trường bán lẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia, mùa mua sắm lễ, tết cuối năm thông thường có thể chiếm đến 40% doanh số cả năm. Tuy năm nay có thể không đạt được con số này do vừa trải qua dịch bệnh, cả nước đang ở trong trạng thái “bình thường mới” (New Normal). Cùng với đó, sức mua bị giảm sút do tác động của đại dịch Covid 19 lên công ăn việc làm, lên ngân sách chi tiêu của từng cá nhân và gia đình nên mùa mua sắm cuối năm nay sẽ có rất nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường vẫn cho thấy những điểm sáng về việc chi tiêu bắt đầu gia tăng.
Ngành bán lẻ đã có sự hồi phục khả quan, tiêu biểu là nhóm siêu thị, trung tâm thương mại, nhóm cửa hàng tiện ích và siêu thị… Điểm nổi bật của giai đoạn hiện tại là tinh thần sẵn sàng đối mặt với thách thức, khó khăn… giờ đây, các nhà bán lẻ đang tích cực, khẩn trương dự trữ đầy đủ các kệ hàng của họ và nhà bán lẻ ở khắp các phân khúc tiêu dùng và định dạng bán lẻ đang triển khai các chương trình khuyến mại phong phú và linh hoạt dành cho người mua hàng.
Điều này được minh họa bằng hình ảnh hoạt động đa dạng của các nhà bán lẻ trên cả nước, trong đó có các nhà bán lẻ lớn là thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam như các hệ thống SaigonCoop, Vincommerce, Bán lẻ BRG, Hapro, Satra, Tập đoàn Phú Thái, Kangaroo, Điện máy HC, Fahasa, Siêu thị và Đại siêu thị GO (Big C trước đây), Lan Chi, hệ thống Aeon, Mega Market,…
Các chuyên gia cũng nhận định người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vì nỗi lo dịch bệnh trở lại, lo ngại thiếu hụt hàng hóa hay giao hàng bị chậm trễ do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trong nước. Điều này khiến nhiều nhà bán lẻ khuyến khích người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm cơ bản càng sớm càng tốt và các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa qủa, trái cây sẽ được mua vào khoảng thời gian cận Tết hơn.
Sự thay đổi trong tiêu dùng nói chung và mùa mua sắm cuối năm 2021 của các thế hệ
Một nghiên cứu của Kantar International cho thấy, phong cách mua sắm của người tiêu dùng thay đổi khá nhiều. Người tiêu dùng nói chung sẽ ưu tiên giá cả và chú trọng chất lượng tương xứng. Bên cạnh đó, các thế hệ từ Gen Z, Gen Y, Gen X cho đến thế hệ Baby Boomers và The Silent Generation sẽ mua sắm như thế nào trong năm nay cũng sẽ là một câu hỏi thú vị.
Tuy chưa có được các số liệu và phân tích cụ thể nhưng theo cảm nhận sơ bộ của chúng tôi, các thế hệ người tiêu dùng trẻ với phong cách sôi nổi trẻ trung, ưa chuộng công nghệ và phần nào lối sống theo trào lưu Yolo (You only live once – Bạn chỉ sống một lần),vv … sẽ khá cởi mở với nhiều hàng hóa, dịch vụ… Đặc biệt sẽ rất nhanh nhạy với các kiểu mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử, còn các thế hệ người tiêu dùng trung tuổi và cao tuổi dường như có chuyển biến tích cực và đáng kể với thương mại điện tử và mua sắm đa kênh.
Có gì mới xung quanh việc mua sắm quà tặng và xu hướng tặng quà?
Năm 2020 đã ghi nhận có sự chuyển đổi các khoản chi tiêu từ du lịch và mua sắm ở nước ngoài hay gặp mặt, tiệc tùng với gia đình lớn và bạn bè, đồng nghiệp… sang chi tiêu cho các quà tặng/tặng phẩm như phiếu mua hàng, thẻ tặng quà, phiếu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Spa hoặc phòng tập thể thao,vv … Năm nay, xu hướng này vẫn được tiếp tục và đặc biệt, có đến 40% lựa chọn tặng quà giao đến nhà người nhận. Người tiêu dùng cũng không muốn trực tiếp đến cửa hàng hay đi tặng quà nhau, theo Kantar International.
Ngoài ra, một lo ngại thường trực là vấn đề giao hàngmuộn và thực tế không khó hình dung tình cảnh dở khóc dở cười khi món quà/tặng phẩm của bạn lẽ ra phải tới tay những người thân yêu vào đúng dịp Noel hay mùng Một Tết thì mãi đến vài ngày hoặc cả tháng sau họ mới nhận được.
Theo số liệu của “2021 Loqate Holiday Shopper Insights Report”, vào năm 2020, hơn 2 triệu bưu kiện Giáng sinh đã bị giao muộn và đa số người tiêu dùng trong trường hợp này sẽ không ngần ngại đưa các nhà bán lẻ đã giao sai thời điểm gói hàng của họ vào “danh sách đen”, 41% người mua sắm sẽ không quay lại với họ nữa.
Vì vậy, đối với các nhà bán lẻ, xác minh địa chỉ người nhận quà/tặng phẩm Năm Mới sẽ quan trọng hơn bao giờ hết trong năm nay …
Các nhà bán lẻ trực tuyến hãy chú ý: Đừng bỏ quên Email!
Email là một hình thức giao tiếp và marketing có vẻ cổ xưa nhưng một khảo sát gần đây cho thấy, có đến 56% người tiêu dùng Hoa Kỳ nói rằng email là phương pháp ưa thích của họ để nhận thông tin cập nhật trực tuyến về mọi thứ cần thiết cho mùa mua sắm cuối năm và hầu hết các nhà bán lẻ đồng ý rằng tiếp thị qua email là một cách rất quan trọng để thu hút người mua hàng (2021 Loqate Holiday Shopper Insights Report). Liệu thị trường Việt Nam có xảy ra điều tương tự?
Tuy nhiên, nhắn tin trong ứng dụng (app) và mạng xã hội đang nhanh chóng trở thành những nền tảng khả thi và được phổ biến rộng rãi để kết nối với các thế hệ người tiêu dùng trẻ.
Mùa siêu mua sắm cuối năm là thời điểm vàng cho cả người người tiêu dùng và các nhà sản xuất – phân phối – bán lẻ. Hơn lúc nào hết, mong đợi của mọi người về một mùa mua sắm an toàn, sôi động và chất lượng, trải nghiệm khách hàng hấp dẫn trên các kênh bán lẻ truyền thống cũng như hiện đại đang chờ sự chủ động, sáng tạo và các chiến lược phù hợp của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà bán lẻ nói riêng./.
Theo https://thuongtruong.com.vn/