Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đại gia ngoại trong lĩnh vực bán lẻ, các tỷ phú Việt vẫn quyết tâm chơi lớn để giành lại vị thế trên sân nhà.
Phủ sóng khắp Việt Nam
Sau khi mua lại Big C và Metro, các đại gia bán lẻ ngoại vẫn chưa dừng tham vọng tại thị trường Việt Nam. Động thái gần đây là sự mở rộng của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Aeon là một trong những ông lớn đang tham vọng tại thị trường trong nước bằng việc khai trương hàng loạt trung tâm mua sắm lớn. Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư xây dựng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Tương tự, Lotte Mart đã đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 10 trung tâm thương mại và đại siêu thị.
Trong khi đó, phía các doanh nghiệp nội cũng không hề thua kém. Theo bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty VinCommerce, dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
VinMart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã sáp nhập và chuyển đổi thành công một loạt thương hiệu bán lẻ như Vitexmart, Maximark, Fivimart, Zahhamart, shop&go, Queenland,… Sau 5 năm hoạt động, VinMart và VinMart+ trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Thế giới Di động đã mở mới 434 cửa hàng các thương hiệu từ đầu năm. Trong đó, nhiều nhất là chuỗi Bách hóa Xanh với 320 cửa hàng. Chuỗi Điện máy Xanh cũng đã mở thêm 136 cửa hàng gồm cả mở mới và chuyển đổi từ Thegioididong. Công ty cũng đã mở thêm 10 cửa hàng tập trung vào nhóm sản phẩm điện thoại giá rẻ, chi phí thấp.
Còn Saigon Co.op đang phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ tại hơn 43 tỉnh thành Việt Nam với hơn 800 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi lớn nhỏ trên cả nước.
Không chỉ vậy, các đại gia nội còn thâu tóm ngược. Đơn cử như VinCommerce đã nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá… 1 USD. Mới đây nhất, Sài Gòn Co.op đã mua lại hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam.
Bán lẻ Việt Nam từ trước tới nay vẫn luôn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Ông Ogawa Koji, Trưởng đại diện Bộ phận kinh doanh Công ty TNHH Kewpie Việt Nam nhận định, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của thị trường bán lẻ Việt Nam, kể cả thị trường bán lẻ ở các siêu thị hay các trang mạng xã hội, thì có thể sẽ nhanh chóng vượt qua thị trường bán lẻ của Nhật.
Aeon sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành nhà cung ứng thực phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng Nhật Bản. Con số này được kỳ vọng tăng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây luôn giữ mức tăng trưởng ấn tượng với gần 10%/năm. Doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường này phát triển lớn mạnh, có khả năng cân bằng và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.
Cuộc cạnh tranh mới
Theo các chuyên gia, trong cuộc cạnh tranh giành thị phần bán lẻ hiện nay thì việc chiếm vị thế mặt bằng không còn là số 1, các doanh nghiệp phải có những thay đổi kịp thời để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng và ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, để đạt được độ phủ rộng khắp 63 tỉnh thành đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải có sự hiểu biết nhất định về vùng miền, địa phương, cũng như chiến lược phát triển toàn diện để có thể phục vụ được tất cả khách hàng. “Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thất bại chính là do không hiểu được thị trường và tâm lý của người tiêu dùng Việt”, bà Loan nhận định.
Theo ông Tuấn Phạm, giám đốc nghiên cứu thị trường Asia Plus, các nhà bán lẻ nội đang có những lợi thế nhất định so với chuỗi bán lẻ ngoại. Thứ nhất, là do họ có khả năng phủ sóng rộng khắp cả nước. Thứ hai, họ hiểu về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để giành lại thị phần, bứt phá trong thời gian tới.
Bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc Vincommerce tiết lộ, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ chú trọng xây dựng chiến lược sản phẩm và tạo sự khác biệt thông qua quá trình địa phương hoá và cá nhân hoá.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ đầu tư ứng dụng công nghệ tạo ra nhiều tiện ích, trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Vincommerce tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để nghiên cứu khách hàng cơ cấu lại sản phẩm theo hướng địa phương hoá sản phẩm, cá nhân hoá nhu cầu của người tiêu dùng theo từng khu vực, địa phương.
Trong năm nay, Vincommerce tiên phong đem tới một trải nghiệm hoàn toàn mới khi ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua tính năng mua sắm trên ứng dụng ví điện tử.
Hay như Co.opmart, Co.opXtra mới đây cũng ra mắt mua sắm thông qua app và nhận thức ăn ngay tại nhà. Mô hình này sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn quốc vào năm 2020 để phục vụ hàng triệu khách hàng khắp 3 miền và dự kiến triển khai dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử.
Để đặt được thành công, đòi hỏi các ông lớn bán lẻ đủ sức tài chính để đi đường dài. Kết quả kinh doanh cho thấy, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại như Lotte, Aeon có doanh thu khiêm tốn thì các nhà bán lẻ nội có kết quả khả quan hơn.
Chuỗi siêu thị bán lẻ Lotte Mart đã thua lỗ liên tục trong hơn 10 năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam. Tập đoàn Lotte mới đây cam kết sẽ đầu tư dài hạn, chấp nhận lỗ trong ngắn hạn. Dự kiến đến năm 2020, Lotte Mart sẽ bắt đầu có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
Theo Duy AnhVietnamnet